Chỉ thị 59-CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/ TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định: “Hội nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao tại huyện Cam Lộ -Ảnh: T.A.M
Tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị có 88.390 hội viên sinh hoạt tại 817 chi hội, 1.385 tổ hội tại 125 cơ sở hội trên địa bàn toàn tỉnh. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, HĐND, UBND và Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM của cấp huyện hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện, đăng ký việc làm cụ thể, phát huy vai trò của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội nông dân tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giàu đẹp, văn minh, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường theo tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm theo hướng an toàn, sinh học, tuần hoàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nông dân.
Hằng năm, trung bình có trên 50.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và có trên 26.000 hộ đạt. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đã hình thành nên các mô hình kinh tế tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo trở lên về vốn, giống cây, con, vật tư, kinh nghiệm… để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần giúp 2.657 hộ nông dân thoát nghèo.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội vận động nông dân xây dựng mô hình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội, các chương trình, đề tài, dự án, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai, hướng dẫn nông dân trong tỉnh xây dựng phát triển 104 mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với định hướng phát triển kinh tế ở cơ sở; các cấp hội phối hợp xây dựng 238 mô hình.
Các mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo cho hội viên nông dân. Các cấp hội trong tỉnh tích cực vận động hội viên nông dân tham gia phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng số tiền đóng góp trên 96 tỉ đồng, 160 nghìn ngày công, tự nguyện hiến 343 nghìn m2 đất để xây dựng NTM.
Tham gia làm mới, sửa chữa 836 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa, nâng cấp 1.300 km kênh mương nội đồng. Duy trì và phát triển 148 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng 7 mô hình, trị giá 900 triệu đồng. Các cấp hội tích cực, chủ động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân”.
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 25,9 tỉ đồng; nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 10,4 tỉ đồng. Đây là nguồn lực thuận lợi để hội nông dân các cấp hỗ trợ trực tiếp cho 749 hộ hội viên nông dân vay vốn xây dựng, đầu tư phát triển 366 mô hình, dự án sản xuất kinh doanh. Nhận ủy thác từ các ngân hàng với tổng nguồn vốn uỷ thác qua tổ chức Hội Nông dân đạt 2.753 tỉ đồng cho 35.213 hộ vay.
Các cấp hội phối hợp tổ chức 428 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 12.786 hội viên, nông dân, cung ứng được 9.806 tấn phân bón; 2.050 tấn giống các loại; 1.242 tấn thức ăn chăn nuôi; chuyển giao 159 máy nông nghiệp…
Thực hiện công tác chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”, đến nay đã thu thập thông tin của 35.420 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử buudien.vn; 60 gian hàng của các cơ sở sản xuất thiết lập với 350 sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng; khai trương 10 gian hàng nông sản an toàn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong hệ thống Bưu điện tỉnh và cấp huyện. Tổ chức cho nông dân tham gia các hội chợ nông nghiệp do Trung ương Hội tổ chức…
Từ những kết quả đạt được trong phát huy vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt của công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, đó là đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự đồng thuận trong thực hiện.
Hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vận động nông dân chuyển đổi và tích tụ ruộng đất để áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng hướng dẫn hội viên phát triển mạnh các dịch vụ, ngành nghề dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng, đơn vị liên quan huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, phân bón, vật tư,… quảng bá tiêu thụ sản phẩm và tổ chức dạy nghề tại chỗ.
Thực hiện hiệu quả 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát huy vai trò cầu nối của hội nông dân các cấp trong liên kết “6 nhà” gồm: Nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – ngân hàng- nhà phân phối để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.
Trần Anh Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/doan-ket-dong-long-xay-dung-nong-thon-moi-giam-ngheo-ben-vung-nbsp-187418.htm