Chiều ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Dữ liệu. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng làm tổ trưởng tổ thảo luận.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng gợi ý một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận – Ảnh: N.T.L
Gợi ý một số vấn đề để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong tổ tập trung thảo luận, Tổ trưởng Tổ thảo luận Lê Quang Tùng đề nghị: Về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đề nghị ĐBQH cho ý kiến về mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế. Thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
Về dự thảo Luật Dữ liệu, đề nghị tập trung thảo luận các nội dung: tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khả thi của các quy định trong dự thảo luật, quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, sử dụng, khai thác dữ liệu, quỹ phát triển dữ liệu, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…..
Tham gia ý kiến dự thảo Luật Dữ liệu, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này quá rộng, đề nghị xác định phạm vi giới hạn để xây dựng dự thảo luật đúng định hướng, nên quy định chủ yếu về phạm vi dữ liệu, việc sử dụng và quản trị dữ liệu.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi thảo luận – Ảnh: N.T.L
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung chính sách nhà nước về phát triển dữ liệu. Theo đó, có chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển dữ liệu, chính sách về hạ tầng, cần phân định rõ sự đầu tư của nhà nước và xã hội hóa để thương mại hóa hoạt động dữ liệu; chính sách về phát triển nguồn lực, về hạ tầng tài chính, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Về quy định Quỹ phát triển dữ liệu, đại biểu không đồng tình về việc xây dựng quỹ này mà đề nghị nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư về hạ tầng và nền tảng dữ liệu quốc gia, sau đó sẽ có cơ chế, chính sách thương mại hóa những loại dữ liệu có thể mua bán được và sẽ vận hành theo quy luật kinh tế.
Phát biểu về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, luật này còn nhiều bất cập, liên quan mật thiết đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; liên quan thiết thực đến đời sống người dân, nêu trường hợp một số người dân đến cơ sở y tế nhưng các cơ sở này thiếu thuốc hoặc thiếu các vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, làm người bệnh phải tự mua theo chỉ định của bác sĩ, đại biểu cho rằng, thực trạng trên làm thiệt thòi đến quyền lợi của người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định nếu các loại thuốc và vật tư y tế mà người bệnh tự mua bên ngoài có trong danh mục bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế phải có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người bệnh. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có quy định thống nhất giữa thanh toán bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế để đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Tham gia thảo luận dự thảo Luật Dữ liệu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn cho rằng, đây là một dự án luật mang tính chiến lược với phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và có liên hệ mật thiết với 69 văn bản luật khác. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai thực tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Dữ liệu – Ảnh: N.T.L
Đại biểu cũng nêu một số điểm cần chỉnh sửa, như sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu giữa khoản 1 Điều 44 và khoản 4 Điều 29 của dự thảo luật, đồng thời yêu cầu đánh giá toàn diện hơn về tác động của Luật Dữ liệu đối với các văn bản luật khác, thay vì chỉ giới hạn ở 6 luật như hiện nay.
Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng cho lực lượng dân quân tự vệ, đặc biệt là dân quân thường trực – lực lượng trực tiếp tham gia các nhiệm vụ nguy hiểm như phòng chống khủng bố, cứu hộ cứu nạn và khắc phục thảm họa.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Đàn, hiện nay dân quân thường trực đã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tương đương với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tại ngũ. Tuy nhiên, thân nhân của họ vẫn chưa được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước trong khi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã đề cập đến việc bổ sung thân nhân của dân quân thường trực vào diện được hưởng bảo hiểm y tế, giống như thân nhân của hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ.
Đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung đối tượng này vào dự thảo luật sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ và công bằng với các quy định hiện hành về nghĩa vụ quân sự, giúp lực lượng dân quân thường trực có được sự bảo vệ toàn diện hơn.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/doan-dbqh-tinh-quang-tri-thao-luan-tai-to-ve-cac-du-thao-luat-189244.htm