Để phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã mở 125 điểm giao dịch tại trụ sở 125 UBND xã, phường, thị trấn. Mô hình “ngân hàng lưu động” này ngày càng được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Giao dịch của cán bộ ngân hàng chính sách với người dân tại Điểm giao dịch xã Cam Nghĩa – Ảnh: M.L
Cứ đến ngày mồng 7 hằng tháng, tổ giao dịch xã là cán bộ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh có mặt tại UBND xã Vĩnh Ô. Đây là lịch giao dịch cố định, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, “đến hẹn” là cán bộ ngân hàng có mặt đúng giờ để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm… cho bà con dân bản. Vĩnh Ô là xã cách xa trung tâm huyện Vĩnh Lĩnh nhất, việc đi lại khá vất vả do địa hình miền núi, chính vì thế, Điểm giao dịch ngân hàng CSXH tại xã có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nơi đây.
Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, hoạt động của điểm giao dịch xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận kịp thời nguồn vốn mà còn giảm chi phí, tạo thói quen hàng tháng đến giao dịch để vay vốn, trả nợ, gửi tiết kiệm thuận lợi (kể cả Thứ 7 và Chủ nhật).
“Trước khi tổ chức phiên giao dịch, ngân hàng và địa phương phối hợp tổ chức giao ban đánh giá tình hình của các tổ tiết kiệm và vay vốn trong tháng, một số nhiệm vụ chưa thực hiện được, nắm bắt tình hình thu nợ, lãi, tiết kiệm khách hàng các tổ tiết kiệm và vay vốn… Địa phương cũng chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tuyên truyền hộ vay vốn nộp tiền lãi cho tổ trưởng trước ngày giao dịch. Các tổ trưởng chủ động nắm bắt nhu cầu vốn vay, hướng dẫn thủ tục vay vốn cho hộ dân tại nhà theo đúng phương châm “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã” của ngân hàng”, ông Tặng cho hay.
5 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ đã thực hiện 40 phiên giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng đều tổ chức họp phổ biến cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới để hoạt động hiệu quả hơn.
Các tổ trưởng cũng thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới và phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng đều bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn tín dụng CSXH.
Cam Nghĩa là một trong những điểm giao dịch hoạt động nổi bật của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ. Tại đây, các biển chỉ dẫn, bảng thông tin về các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, thủ tục giải quyết công việc được niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời đúng quy định để người dân nắm bắt, tiếp cận thông tin một cách rõ ràng.
Theo ông Lê Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa, lịch giao dịch được thực hiện cố định vào ngày mồng 7 hằng tháng. Để đảm bảo cho buổi giao dịch diễn ra hiệu quả, xã luôn bố trí hội trường, bàn ghế và đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an toàn cho ngân hàng và khách hàng.
Trong các phiên giao dịch, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác còn bố trí lãnh đạo tham dự, giám sát suốt quá trình của phiên giao dịch; đôn đốc tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn đến đúng giờ, tham dự cuộc họp giao ban đầy đủ, khi dự họp có sổ ghi chép đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Ông Mai Vĩnh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa chia sẻ: “Từ khi ngân hàng CSXH triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân rất nhiều. Kết quả được công khai ngay tại phiên giao dịch, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới… Nếu không có nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện thì nhiều hộ gia đình không biết đến bao giờ mới thoát nghèo”.
Có thể thấy, việc triển khai các điểm giao dịch xã được xem là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Mai Lâm