Sau gần 20 năm thực hiện việc đưa người lao động sang Hàn Quốc làm nghề ngư nghiệp theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS), hàng trăm lao động các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động đăng ký hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành ngư nghiệp, nông nghiệp đợt 1, năm 2024 – Ảnh: T.N
Anh Nguyễn Công Đông (sinh năm 1982) ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, thi đậu đơn nghề ngư nghiệp theo hợp đồng lao động tại Hàn Quốc vào năm 2010. Hiện anh Đông đang ở thành phố Mokpo, tỉnh Jeollanam-do. Mức thu nhập của anh mỗi tháng khoảng 5 triệu Won (khoảng 90 triệu đồng), trong đó mức lương cơ bản là 2,5 triệu Won/tháng, khoản tiền còn lại là do thỏa thuận với chủ tàu tùy theo năng lực, kinh nghiệm, năng suất làm việc.
Bên cạnh mức thu nhập cao thì với kinh nghiệm 14 năm bám biển và thái độ làm việc tận tâm, trách nhiệm, anh Đông đã được chủ tàu bảo lãnh ở lại Hàn Quốc hợp pháp theo diện visa E7. Với visa này, 2 năm anh được chủ tàu gia hạn 1 lần nên đã ở lại hợp pháp ở Hàn Quốc để làm việc, hằng năm có thể đưa người thân qua thăm chơi. Mới đây, anh Đông vừa đưa con gái đầu sang du học nghề tại đất nước này.
Anh Đông cho biết, trước đây, anh từng đi bạn cho tàu đánh bắt xa bờ nên khi sang Hàn Quốc gặp nhiều thuận lợi trong công việc. Thời gian đầu, anh làm việc cho tàu đánh bắt gần bờ để quen việc. Sau 2 năm anh chuyển sang làm việc cho tàu đánh bắt xa bờ với nghề lưới cá đù, cá chim trắng. Hiện anh Đông đang làm việc trên tàu cá hơn 300 CV. Tàu có 10 thuyền viên, trong đó có 2 lao động người Việt Nam là anh và 1 người ở Hà Tĩnh, các thành viên còn lại là người Hàn Quốc và Indonesia. Trung bình mỗi tháng tàu đi 2 chuyến biển.
Nghề biển bên này thuận lợi vì có máy móc hỗ trợ các công việc nặng nhọc nên đỡ vất vả hơn nghề đi biển ở quê. “Ở đây, mỗi thuyền viên được phân công phụ trách một công việc cụ thể, người nào việc nấy . Ví dụ người đứng máy điều khiển kéo lưới, người khoanh phao, kéo dây chì, người gỡ cá khỏi lưới, người rửa cá, người đưa cá xuống hầm bảo quản…
Khi vào việc các bộ phận hoạt động như một dây chuyền công nghiệp, ai phụ trách việc gì thì cứ đúng vị trí mà làm, rất nền nếp, trật tự nên hiệu quả công việc cao mà đỡ mất sức lao động”, anh Đông chia sẻ.
Tại Quảng Trị, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị là đơn vị duy nhất tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Tháng 5/2005, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh bắt đầu đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc bằng ngành ngư nghiệp, chủ yếu theo chương trình EPS.
Đây là một trong những ngành được nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh lựa chọn, đăng ký tham gia vì chi phí tương đối thấp dao động từ 30 – 40 triệu đồng, (ngoài ra trước khi xuất cảnh có đặt cọc 100 triệu đồng để chống lao động bất hợp pháp, số tiền này người lao động sẽ được hoàn lại cả gốc và lãi khi hết hạn lao động về nước); thu nhập khá cao (tối thiểu trên 37 triệu đồng/người/ tháng). Đến nay, toàn tỉnh có 745/2.805 người lao động đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm nghề ngư nghiệp. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 438 người lao động đăng ký dự thi nghề này, đến nay có 210 thi đạt, trong đó có 30 lao động đã xuất cảnh.
Để phổ biến rộng rãi chương trình này, thời gian qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến người lao động, nhất là lao động các địa phương vùng biển. Nội dung, hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, giúp người dân dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận thông tin.
Bên cạnh các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại địa phương, trung tâm đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đến tận hộ gia đình để vận động, tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp cho người lao động. Trung tâm cũng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh công khai các chế độ, chính sách, thủ tục đối với người lao động có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, dù đạt được những kết quả tích cực, song khó khăn hiện nay là phần lớn người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS là lao động phổ thông, trong đó nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ còn hạn chế.
Chính vì vậy khi sang làm việc tại Hàn Quốc một số người gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ; chưa xác định được đặc thù của công việc, nhất là lao động tham gia hoạt động trên biển vì nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe và chịu khó.
Đây là nguyên nhân chính khiến một số ngườ i chán nản, bỏ trốn ra ngoài làm công việc khác, trở thành lao động cư trú bất hợp pháp. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận với cơ hội việc làm theo chương trình EPS, trung tâm chú trong nâng cao ý thức cho người lao động để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp.
Đồng thời chú trọng tổ chức bồi dưỡng tiếng Hàn Quốc nhằm trang bị năng lực ngoại ngữ cho người lao động. Bên cạnh việc tuyên truyền cũng cần quyết liệt thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng (cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn hợp đồng) theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, xử phạt cần có sự phối hợp, tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý của các địa phương có người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thủy Ngọc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/di-han-quoc-lam-ngu-nghiep-190072.htm