Sáng nay 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhận xét: Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả đánh giá khá rõ nét về vấn đề phục hồi kinh tế về tăng trưởng và chính sách tăng trưởng nhưng những khó khăn, thách thức thì có phần còn mờ nhạt, chưa toàn diện.
Chính phủ nên làm đậm những vấn đề nổi lên giữa hai kỳ họp, trong đó nhấn mạnh vào những vấn đề cần Quốc hội có quyết sách ngay tại kỳ họp này. Từ quan điểm trên, đại biểu đồng tình với nhiều vấn đề được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra, đặc biệt những vấn đề cần được đánh giá kỹ hơn, chẳng hạn về chất lượng của tăng trưởng thì báo cáo của Chính phủ đã nêu bật, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận tổ – Ảnh: N.L
Đại biểu cho rằng đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng, đề nghị Quốc hội nhìn vào một số dữ liệu khác như: 4 tháng đầu năm ghi nhận 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; hoạt động tiêu dùng hàng hóa yếu là do thu nhập khả dụng tăng chậm trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng… những điều này cho thấy dường như doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, cần phải được nhìn nhận thấu đáo hơn.
Đại biểu cũng nêu vấn đề nổi lên là sự nhảy múa của giá vàng và sự bất ổn của thị trường vàng từ quốc tế tới trong nước, thực sự đã gây tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ và tỉ giá USD/VND.
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng rất mạnh kể từ đầu năm 2024, đạt đỉnh mọi thời đại, khi cầu tăng đột biến chủ yếu do rủi ro địa chính trị và có thể một phần do hoạt động đầu cơ lũng đoạn nhân bối cảnh hỗn loạn.
Hiện tại giá vàng thế giới đạt trên 2.400 USD/ounce, tương đương tăng hơn 20% so đầu năm, theo đó, giá vàng miếng SJC trong nước ở khoảng 91 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 24% so đầu năm.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn lớn hơn giá vàng quốc tế quy đổi từ 15 đến 20 triệu VND/lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỉ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỉ giá chính thức.
Đại biểu băn khoăn về nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Và cho rằng không phải đến từ đa số người dân bình thường do nguyên nhân thuần tuý rằng đây là 1 kênh đầu tư thay thế cho kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất không còn hấp dẫn? Liệu có phải đây chủ yếu là do 1 nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường?
Qua theo dõi thông tin và đọc báo cáo của Chính phủ thì chưa tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này. Đồng thời, đại biểu đề nghị mức tăng trưởng tín dụng cần được nhìn nhận thực chất hơn, giai đoạn vừa qua, tín dụng ngân hàng tăng trưởng yếu (đến cuối tháng 4 mới tăng chưa được 2%), đại biểu cũng lưu ý đặc biệt về hiện tượng số liệu luôn tăng đột biến ở các thời điểm chốt năm, chốt quý, sau đó rơi nhanh trở lại và đồng tình với các nguyên nhân được các báo cáo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra, gồm: sản xuất kinh doanh hồi phục chậm khiến cầu tín dụng yếu; rủi ro kinh doanh cao, nợ xấu gia tăng nhanh, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn; chi phí huy động vốn còn cao, khiến các ngân hàng khó khăn hạ sâu lãi suất cho vay, …. và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng.
Phản ánh một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của địa phương trong khi chờ Bộ Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét về thời gian thi hành Luật Đất đai bắt đầu từ ngày 01/7/2024 để mở đường cho phát triển kinh tế.
Về kiến nghị các giải pháp triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm áp dụng cơ chế đặc thù ngoài Luật PPP trong thực hiện Dự án cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo có chiều dài 56km, vốn đầu tư 13,9 nghìn tỉ đồng bằng cơ chế vốn nhà nước 70%, doanh nghiệp 30% và đề án Khu kinh tế – thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan do tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) lập đề xuất Chính phủ 2 nước Việt Nam, Lào sớm ký Hiệp định song phương nhằm khai thác tiềm năng dư địa trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tạo tiền đề cho tỉnh Quảng Trị và Savannakhet bứt phá, đi lên, góp phần phát triển kinh tế vùng Duyên hải miền Trung và các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Nguyễn Thị Lý