Hôm qua 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về quy hoạch không gia biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng về nội dung dự thảo Nghị quyết về quy hoạch không gian biển, có sự tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch không gian biển quốc gia với quy hoạch tổng hợp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của quốc gia, địa phương đã được phê duyệt. Đồng thời, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảo quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận – Ảnh: NL
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng việc ban hành quy hoạch phân vùng chức năng như vùng biển thì đề nghị nên rà soát và lồng ghép các quy hoạch liên quan đến biển đảo cũng như các quy hoạch của địa phương; dự thảo Nghị quyết có một số vấn đề chưa cập nhật đầy đủ, nếu ban hành sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện và sẽ xảy ra sự xung đột, địa phương sẽ lúng túng không triển khai được.
Đề nghị dự thảo Nghị quyết theo hướng mở, theo vùng, nếu đưa địa phương vào quy hoạch thì cũng nên đưa hết tất cả 28 tỉnh thành có biển, đặc biệt là rà soát lại quy hoạch của các địa phương để cập nhật vào, cụ thể như tỉnh Quảng Trị đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất.
Về phân vùng sử dụng không gian biển, tại khoản 1, điều 4, chỉ nêu phát triển Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, không nêu Quảng Trị, đề nghị Quốc hội bổ sung thêm tỉnh Quảng Trị, vì tỉnh có cảng biển Mỹ Thủy, Khu Kinh tế Đông Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016.
Về Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu đề nghị bổ sung cảng biển Mỹ Thủy vì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cảng biển Mỹ Thủy là cảng loại 2 bao gồm 2 khu bến chính là khu bến Cửa Việt và khu Mỹ Thủy vào năm 2021.
Về phân vùng chức năng và phân vùng sử dụng biển trong quy hoạch không gian biển quốc gia, đại biểu đề nghị bổ sung các dự án điện gió ngoài khơi vì theo sơ đồ điện VIII, các dự án điện gió được xác định là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển.
Về bản đồ phân vùng sử dụng không gian biển thì cần bổ sung ưu tiên các dự án điện khí như ở tỉnh Quảng Trị có mỏ Báo vàng và mỏ khí Kèn bầu, mỏ Kèn Bầu cũng đã được cấp chủ trương đầu tư, cũng đã xác định trung tâm năng lượng của miền Trung
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, theo đại biểu trong 21 chính sách tại dự thảo Nghị quyết này, có 6 chính sách tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của TP. Đà Nẵng, và 5 chính sách đề xuất mới.
Đại biểu ủng hộ việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng vì đây là một chính sách đột phá, hứa hẹn tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc xây dựng Khu thương mại tự do không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng mà còn góp phần nâng cao vị thế của thành phố trong khu vực và trên thế giới.
Cuối cùng, đại biểu hoàn toàn đồng tình với chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Tuy nhiên, việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nên áp dụng một cách chọn lọc, đột phá, nếu ban hành quá nhiều chính sách đặc thù thì sẽ trùng lặp, không mang ý nghĩa đặc thù nữa.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát lại các điểm nghẽn, ách tắc trong sự phát triển của địa phương hiện nay và căn bản phải xem xét để sửa lại các luật như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với tiến trình giải quyết các mối quan hệ giữa ba trụ cột Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân