Sáng nay 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH Hà Sỹ Đồng; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng tham gia phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ sáng ngày 31/10 – Ảnh: CN
Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự thống nhất với Nghị quyết 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (Nghị quyết 35) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng. Trong đó, có một số nội dung của nghị quyết này chưa thực hiện và trong báo cáo sơ kết của Hải Phòng cũng chưa nêu rõ nội dung nào đã làm được, nội dung nào còn tồn tại, cần tiếp tục thực hiện, nguyên nhân của những tồn tại này.
Do đó, theo đại biểu cơ sở để thông qua nghị quyết mới lần này chưa thực sự cần thiết và thuyết phục. Đại biểu chỉ rõ và nêu một vài ví dụ là tại Nghị quyết 35, Hải Phòng còn rất nhiều nội dung chưa thực hiện như: chưa ban hành chính sách về phí, lệ phí để tăng thu ngân sách, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp, các nguồn lực để phát triển hạ tầng…
Cũng theo đại biểu, sau khi có Nghị quyết 35, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy định trách nhiệm của các địa phương thực hiện 6 nội dung liên quan đến kế hoạch trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, Hải Phòng chưa ban hành chiến lược thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, trước mắt cần tập trung thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội, theo đó thời gian thực hiện là 5 năm trong khi có những chính sách còn chưa triển khai mà đề xuất sửa đổi là chưa đủ căn cứ. Việc sửa đổi, bổ sung cần nghiên cứu bổ sung vào chương trình xây dựng Pháp lệnh năm 2025 rồi ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng thống nhất cao việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương bởi tỉnh Thừa Thiên Huế có bề dày về lịch sử, văn hóa, là kinh đô của triều Nguyễn trong thời kỳ phong kiến, là nơi duy nhất của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và từ năm 1993 trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản văn hóa quốc tế. Tiêu chuẩn TP. Huế trực thuộc trung ương có tính chất đô thị di sản đầu tiên của nước ta. Đại biểu đề nghị trung ương cần quan tâm ban hành thêm một số chính sách khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành TP. Huế trực thuộc trung ương.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng thống nhất cao với các nội dung trong hồ sơ Chính phủ trình về việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương, trên tất cả các mặt về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng cho rằng đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế đã có điều kiện “cần và đủ” để trở thành thành phố trực thuộc trung ương – Ảnh: CN
Đại biểu nhấn mạnh, đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế đã có điều kiện “cần và đủ” để trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương cũng sẽ lan tỏa, thúc đẩy phát triển các tỉnh lân cận trong đó có Quảng Trị; khu vực miền Trung sẽ có hai đô thị trực thuộc trung ương liền kề là Đà Nẵng và Huế. Điều này sẽ trở thành động lực phát triển cho miền Trung về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng còn phân vân khi TP. Huế trực thuộc trung ương. Khi “khoác lên mình một chiếc áo mới”, thay đổi trước mắt là tổ chức chính quyền sẽ chuyển từ “chính quyền nông thôn” sang “chính quyền đô thị”, mặt lợi ích thấy rõ là các chức danh được thay đổi để phù hợp, chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được hưởng lợi theo. Nhưng theo đại biểu, giá trị thay đổi ở bên trong mới là vấn đề cốt lõi, người dân sẽ được gì và sẽ thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân? Điều này, không chỉ là sự cố gắng, phấn đấu của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cần sự quan tâm, hỗ trợ từ trung ương để các mục tiêu đặt ra trở thành hiện thực, để người dân không phải thất vọng.
Đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức cho Thừa Thiên Huế là: vùng nông thôn từ giáp địa phận tỉnh Quảng Trị kéo dài đến Lăng Cô là vùng đầm phá, bên cạnh đó Thừa Thiên Huế có hai huyện miền núi (Nam Đông và A Lưới), đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Để đưa các địa phương này đi cùng với TP. Huế về đích là “bài toán” rất khó khăn, thách thức, đòi hỏi Thừa Thiên Huế phải vượt qua.
Đại biểu đề nghị, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 38, khi chuyển qua chính quyền đô thị thì cần xem xét, rà soát lại xem có chính sách gì cần thay đổi; cần đánh giá “sơ kết sớm” Nghị quyết 38 để cân nhắc những vấn đề cần được bổ sung để phù hợp cho Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị ban soạn thảo cần quan tâm đến vấn đề về tên gọi trong nghị quyết, cần có lý giải về việc bỏ hai chữ “Thừa Thiên” và phải trên cơ sở lấy ý kiến của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thanh Tuân – Cẩm Nhung
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dbqh-tinh-quang-tri-tham-gia-thao-luan-ve-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-hai-phong-va-thanh-lap-tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-189388.htm