Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều nay 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND).
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 19/6 – Ảnh: TT
Tại phiên thảo luận, ĐBQH, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn nhấn mạnh: Luật PKND ra đời sẽ cụ thể hóa đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng.
Đại biểu khẳng định vai trò thiết yếu của lực lượng PKND trong việc phòng ngừa và xử lý hiệu quả các tình huống quốc phòng – an ninh trên không. Trong bối cảnh khu vực phòng thủ tại các tỉnh, thành phố cần được củng cố và phát triển trước những thách thức mới, việc ban hành luật này sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó và ứng phó với các nguy cơ và thách thức từ không gian. Mặt khác, theo đại biểu, việc ban hành Luật PKND cũng sẽ giúp khắc phục những bất cập trong thi hành pháp luật hiện hành, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, luật sẽ đảm bảo hiệu quả và thống nhất trong quản lý và điều hành công tác PKND, góp phần xây dựng một khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về chuyển nội dung quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang Luật PKND, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn cho rằng, hiện tại các quy định trong Luật Hàng không dân dụng về quản lý tàu bay không người lái còn thiếu chế tài xử lý cụ thể, chỉ mang tính nguyên tắc. Cụ thể, các điều khoản hiện tại chỉ giao Bộ Quốc phòng quy định chi tiết mà không có quy định pháp lý rõ rang.
Cùng với đó là việc Bộ Quốc phòng đang chủ trì quản lý và bảo vệ vùng trời quốc gia, giám sát hoạt động bay dân dụng, cấp phép bay, quản lý tàu bay quân sự và tàu bay không người lái. Việc chuyển nội dung này sang Luật PKND sẽ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, đảm bảo quản lý chặt chẽ và thống nhất hơn.
Mặt khác, theo đại biểu thì hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về quản lý xuất nhập khẩu, kinh doanh tàu bay không người lái, dẫn đến sự không thống nhất trong công tác quản lý. Việc chuyển đổi này sẽ giúp thống nhất các quy định liên quan, tránh chồng chéo và bất cập.
Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “…trật tự an toàn xã hội” trước cụm từ “quốc phòng an ninh” sau cụm từ “và an toàn hàng không” trong khoản 7 Điều 2. Đại biểu lý giải, việc bổ sung cụm từ “trật tự an toàn xã hội” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bao gồm các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hàng không và quốc phòng an ninh được quản lý chặt chẽ hơn. Điều này giúp luật bao quát và đầy đủ hơn trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến phương tiện bay siêu nhẹ.
Tại Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “và đối ngoại” sau cụm từ “quốc phòng an ninh” và trước cụm từ “của quốc gia” trong Điểm a, b Khoản 2. Đại biểu cho biết, việc bổ sung cụm từ “và đối ngoại” nhằm đảm bảo rằng các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về đối ngoại cũng được xác định là trọng điểm PKND. Điều này giúp tăng cường quản lý và bảo vệ toàn diện hơn các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ về quốc phòng an ninh mà còn về đối ngoại.
Đối với Điều 7: Hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “tiếp tay giúp sức” sau cụm từ “và phá hoại” và trước cụm từ “làm thay đổi hiện trạng” trong khoản 4 và bổ sung cụm từ “tàng trữ” sau cụm từ “xuất khẩu, nhập khẩu” và trước cụm từ “khai thác, sử dụng tàu bay không người lái” trong khoản 6. Lý do là việc bổ sung các hành vi “tiếp tay giúp sức” và “tàng trữ” giúp làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm, đảm bảo không bỏ sót các hành vi có thể gây nguy hại. Cụ thể, hành vi “tiếp tay giúp sức” trong việc phá hoại công trình PKND và hành vi “tàng trữ” phương tiện bay siêu nhẹ trái pháp luật cần được quy định rõ ràng hơn để đảm bảo tính răn đe và xử lý kịp thời.
Tại Điều 12: Tổ chức lực lượng PKND, đại biểu Nguyễn Hữu Đàn đề xuất Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “và lực lượng phòng không kiêm nhiệm bộ đội biên phòng thực hiện” vào cuối các điểm b, c khoản 1. Theo đại biểu, việc sửa đổi này nhằm đảm bảo rằng các lực lượng PKND được tổ chức theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên và lực lượng phòng không kiêm nhiệm của bộ đội biên phòng các cấp được tổ chức theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng. Hơn nữa, điều này giúp tổ chức và hoạt động của lực lượng PKND được thống nhất, hiệu quả hơn, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn cũng đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 13 về thời hạn huy động lực lượng PKND từ 7 ngày thành 12 ngày. Việc sửa đổi này nhằm thống nhất với thời gian huấn luyện lực lượng dân quân binh chủng quy định tại Thông tư 69/2020/TT-BQP ngày 15/6/2020 của Bộ Quốc phòng. Điều này giúp đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với thực tế huấn luyện.
Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dbqh-tinh-quang-tri-nguyen-huu-dan-tham-gia-thao-luan-du-an-luat-phong-khong-nhan-dan-186300.htm