Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều nay 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã tham gia thảo luận đối với hai dự thảo luật này.
Đối với Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược:
Tại khoản 1 Điều 1, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 1 cụm từ “quản lý nhà nước” sau cụm từ “chính sách của nhà nước”. Theo đại biểu, việc bổ sung cụm từ này sẽ làm rõ vai trò quản lý toàn diện của Nhà nước về tất cả các hoạt động liên quan đến dược, không chỉ dừng lại ở việc quản lý “thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh”, “quản lý chất lượng thuốc” và “quản lý giá thuốc”. Điều này sẽ đảm bảo một hệ thống quản lý chặt chẽ và thống nhất, tăng cường hiệu quả điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực dược phẩm.
Về sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 79 quảng cáo thuốc, đại biểu nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm và sửa đổi bổ sung các quy định của Điều 79 về quảng cáo thuốc. Trong đó, cần tập trung vào việc xác định ai là người quảng cáo: doanh nghiệp dược, nhà thuốc, hoặc nhà quảng cáo. Đại biểu đề nghị, bắt buộc doanh nghiệp dược phải chứng minh chất lượng và hiệu quả của thuốc trước khi quảng cáo nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin đến người tiêu dùng.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 18/7 – Ảnh: CN
Đại biểu cho rằng, hiện nay quảng cáo thuốc trên nhiều kênh truyền thông đang diễn ra một cách “mạnh ai người đó làm” với nhiều thông tin khó kiểm chứng về chất lượng và hiệu quả của thuốc. Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng và có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho sức khỏe. Việc sửa đổi bổ sung cần quy định rõ ràng về đối tượng được phép quảng cáo, yêu cầu doanh nghiệp dược phải chứng minh chất lượng và hiệu quả của thuốc trước khi quảng cáo, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin đến người tiêu dùng.
Đối với Điều 110 và Điều 113 của dự thảo, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý giá thuốc, bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thuốc chữa bệnh là hàng hóa đặc biệt mà người tiêu dùng không thể tự sản xuất, vì vậy việc quản lý giá thuốc phải minh bạch và tránh lợi ích nhóm để ngăn chặn tình trạng thao túng giá, đặc biệt là với các loại thuốc đặc trị và khan hiếm.
Đại biểu nhấn mạnh rằng quy định này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và sự minh bạch trong quá trình định giá thuốc, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng, đồng thời gắn kết ràng buộc giữa các bộ Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội.
Đối với Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Đối với Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 1 của Dự thảo Luật Di sản văn hóa để đảm bảo rõ ràng và đầy đủ hơn.
Cụ thể, đại biểu đề xuất viết lại như sau: “Di sản văn hoá quy định tại luật này bao gồm di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể và di sản tư liệu là những giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị tự nhiên và tài sản được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của CHXHCN Việt Nam”. Theo đại biểu, thì ba loại di sản này đã được giải thích chi tiết tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 3 của dự thảo, do đó cần sửa đổi, bổ sung để tránh nhầm lẫn và tạo sự thống nhất trong toàn bộ văn bản pháp luật.
Ở Điều 3: Giải thích từ ngữ, khoản 1, định nghĩa “Di sản văn hoá phi vật thể” cần được bổ sung và chi tiết hóa để phản ánh đầy đủ các yếu tố của di sản này. Cụ thể, cần bổ sung các yếu tố như tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, nước ta có 54 dân tộc anh, em với những bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, tiếng nói, tín ngưỡng riêng, những yếu tố này đều cần được bảo tồn và phát huy để giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Tại khoản 10 định nghĩa về “Bảo tàng”, đại biểu đề nghị chỉnh sửa để phản ánh đúng chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng.
Đại biểu cho rằng, cần sửa đổi phần đầu của quy định này để nhấn mạnh rằng bảo tàng trước hết là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tầm về lịch sử tự nhiên và xã hội. Các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm chỉ là các chức năng bổ sung sau. Tức là vấn đề này cần diễn đạt ngược lại mới đúng nghĩa.
Tại Điều 4: Sở hữu di sản văn hoá, đại biểu đề nghị quy định rõ ràng các hình thức sở hữu di sản văn hoá tại Điều 4, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Cần quy định cụ thể những di sản văn hoá thuộc sở hữu riêng và sở hữu chung của cộng đồng, mà hiện tại chưa được đề cập đến trong dự thảo.
Đại biểu nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, dịch vụ du lịch về di sản lịch sử – văn hoá ngày càng phát triển, nhiều tổ chức và cá nhân đã đầu tư vào việc sưu tầm, bảo tồn và trưng bày di sản văn hóa. Do đó, cần có quy định rõ ràng để công nhận và bảo vệ quyền sở hữu di sản văn hoá của các tổ chức và cá nhân này.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trình tự, thủ tục ra quyết định huỷ bỏ quyết định xếp hạng di tích tại khoản 4 của Điều 24.
Theo đại biểu, hiện tại quy định này còn mâu thuẫn với khoản 2, do đó cần được làm rõ để đảm bảo tính khả thi và minh bạch trong quá trình thực hiện; quy định tại khoản 4 Điều 24 về trình tự thủ tục huỷ bỏ quyết định xếp hạng di tích mâu thuẫn với khoản 2, gây khó khăn trong việc thực thi.
Đại biểu đề nghị bổ sung một điều sau Điều 94 về trách nhiệm của các tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân đang quản lý các di tích lịch sử – văn hóa trong việc bảo vệ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng. Theo đại biểu, hiện nay phần lớn các di tích lịch sử – văn hóa như chùa, nhà thờ của các tôn giáo, nhà thờ họ đều do các tổ chức tôn giáo và dòng họ quản lý, bảo quản và tôn tạo từ nguồn vốn đóng góp của các tổ chức và cộng đồng này.
Nhà nước chưa đầu tư cho các công trình này, do đó cần quy định rõ trách nhiệm để huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc tôn tạo, sửa chữa các công trình xây dựng của các tôn giáo trong khu vực di tích lịch sử – văn hóa, cũng như quy định cụ thể về việc kinh doanh, thu phí tại các bảo tàng quản lý di tích lịch sử – văn hoá.
Giải thích đề xuất này, theo đại biểu là nhằm tránh việc lợi dụng quản lý di tích nhằm mục đích trục lợi và phát huy nguồn lực cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Thanh Tuân – Cẩm Nhung
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dbqh-tinh-quang-tri-hoang-duc-thang-tham-gia-y-kien-vao-du-an-sua-doi-bo-sung-luat-duoc-va-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-186287.htm