Chiều nay 21/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) của các dự án luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến xây dựng luật ngày 21/6/2024 – Ảnh: NTL
Các dự án luật này được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và đang được Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua về hiệu lực thi hành sớm hơn tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự đồng tình với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế, nhất là từ thực tiễn điều hành ở địa phương, mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Lý do là các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Một số cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cũng có một phần từ sự bất cập đó, nên các luật trên có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó. Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã lấy ý kiến của các địa phương, để xây dựng các văn bản dưới luật để khi luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
Đại biểu đề cập đến những vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra, cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.
Chẳng hạn, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng sẽ gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn. Giải trình tại báo cáo số 155 ngày 20/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rất chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở (hay còn gọi là chung cư mini) với mục tiêu để bán, cho thuê, cho thuê mua, theo đó yêu cầu phải lập dự án xây dựng nhà ở hoặc phải đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đáp ứng yêu cầu về đầu tư xây dựng. Quy định này để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo yêu cầu trong đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng cháy nổ xảy ra thời gian vừa qua.
Do đó, việc quy định hiệu lực sớm của Luật Nhà ở sẽ khắc phục được các vấn đề của thực tiễn xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đại biểu cho rằng, việc thi hành sớm cũng ít nhiều tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh vì các nhà đầu tư đã chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu từ ngày 1/1/2025. Vì vậy, đề nghị với tất cả những điều khoản có yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn thì khuyến khích đối tượng chịu sự tác động thực thi từ ngày 1/8 năm nay, còn hiệu lực để áp dụng chế tài xử lý thì từ ngày 1/1/2025.
Về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành sớm, tại tờ trình Chính phủ đã khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Đại biểu cho đây là điểm tựa để các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều làm đại biểu băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành.
Ngoài ra, về Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất cho nhà ở thương mại nhưng đến nay đề án này cũng chưa được trình Quốc hội.
Đại biểu phản ánh một số ý kiến cử tri cho rằng nếu việc thí điểm này cũng được thực hiện từ ngày 1/8 thì việc các luật: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm có tác động tích cực hơn rất nhiều.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh sự cần thiết của việc Quốc hội và Chính phủ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và các điều khoản chuyển tiếp của các luật.
Đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết để tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu Quốc hội có cơ sở chắc chắn để trả lời cử tri.
Cuối cùng, đại biểu tán thành 4 dự án luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước, đồng thời củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dbqh-tinh-quang-tri-ha-sy-dong-dong-gop-y-kien-xay-dung-cac-luat-186365.htm