Sáng nay 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 theo hình thức trực tuyến. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: ĐV
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin: Năm học 2023 – 2024, ngành GD&ĐT đã hoàn thành và đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch của năm, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ của năm học vừa qua, đánh giá sâu kết quả đã đạt được, những điểm còn hạn chế, bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập và những giải pháp cần đưa ra…
Năm học 2023 – 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra theo kế hoạch.
Đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số 29), qua đó đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra. Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cuộc thi KHKT học sinh trung học năm học 2023 – 2024 cấp quốc gia, quốc tế và các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục đạt kết quả cao. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác tuyển sinh năm 2024 cơ bản được duy trì ổn định như năm 2023. Tập trung thực hiện nhiều chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao; xây dựng và áp dụng chuẩn chương trình đào tạo cho nhiều nhóm ngành, trong đó các nhóm ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật (phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số) có chuẩn cao tương đương với khu vực và thế giới.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 27.826 biên chế giáo viên năm học 2023 – 2024; các địa phương tích cực tuyển dụng biên chế giáo viên được giao, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục…
Xác định chủ đề năm học 2024 – 2025 là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, toàn ngành giáo dục triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành GD&ĐT, các địa phương tập trung chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt lễ khai giảng vào ngày 5/9 sắp tới một cách chu đáo, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi cho năm học mới.
Thủ tướng yêu cầu toàn ngành GD&ĐT, các địa phương tập trung chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt lễ khai giảng vào ngày 5/9 sắp tới – Ảnh: CP
Tập trung tổ chức triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng Dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới; xây dựng chiến lược đào tạo và các quy hoạch giáo dục đào tạo; tiếp tục nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Yêu cầu Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương chuẩn bị thật kỹ các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trong năm học 2024 – 2025 đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, an toàn, gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu; tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và những ngành mới nổi. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho GD&ĐT, đẩy mạnh phát triển giáo dục phi lợi nhuận ở bậc đại học; tiếp tục thực hiện lộ trình giá theo thị trường phải phù hợp với lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Sửa đổi, bổ sung các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp, hài hòa với tổng thể chung và với các ngành khác; thực hiện tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục, nhất là ở cấp học mầm non.
Đức Việt
Nguồn: https://baoquangtri.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-day-manh-phat-trien-giao-duc-phi-loi-nhuan-o-bac-dai-hoc-nbsp-187709.htm