Quản lý hơn 278.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng cho hơn 248.000 ha đất có rừng, duy trì ổn định độ che phủ rừng ở mức 49 – 50%; trồng rừng tập trung hằng năm từ 7.000 – 8.000 ha và hơn 3 triệu cây phân tán; đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững… Đó là những mục tiêu cơ bản mà Chi cục Kiểm lâm đang hướng đến nhằm cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị rừng.
Khai thác gỗ rừng trồng tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng – Ảnh: L.A
Đi đầu trong cấp chứng chỉ rừng quốc tế và trồng rừng gỗ lớn
Từ năm 2007, với sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp và các tổ chức quốc tế, Quảng Trị là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 26.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp: Đường 9, Bến Hải, Triệu Hải hơn 16.360 ha; Hợp tác xã (HTX) Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong 406 ha với 110 hộ gia đình; Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị là 5.396 ha, gồm: 3.251 ha rừng trồng và 2.144 ha rừng tự nhiên. Ngoài ra còn có diện tích 3.970 ha với 444 hộ gia đình của nhóm hộ chứng chỉ rừng huyện Hải Lăng mới được đánh giá và đang chờ được cấp chứng chỉ.
Theo đánh giá, việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Lợi ích của gỗ có chứng chỉ rừng là thị trường ổn định, giá cả cao hơn gỗ không có chứng chỉ, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ carbon rừng.
Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu “đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, thời gian qua, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của tỉnh, ngành nông nghiệp, các chủ rừng, người dân và chính quyền địa phương trên địa bàn đã đẩy mạnh các hoạt động phát triển rừng, tập trung trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng và trồng gỗ kinh doanh gỗ lớn. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, với những hiệu quả vượt trội mang lại, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các ban, ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, đến nay toàn tỉnh đã trồng được hơn 4.250 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 13.799 ha.
Giữ ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp
Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh sau điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng/quy hoạch ba loại rừng là 277.899 ha. Bao gồm rừng tự nhiên là 126.716 ha, rừng trồng là 108.385 ha, đất trống quy hoạch lâm nghiệp là 42.798 ha. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp là tiền đề để thực hiện thành công đề án phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước khẳng định, thời gian qua, thông qua các chương trình, kế hoạch, dự án, diện tích rừng trồng và độ che phủ rừng của tỉnh tăng đều qua các năm, đến nay đã đạt 49,4%, là một trong số ít các địa phương có độ che phủ rừng cao và ổn định trong cả nước.
Đặc biệt qua các chương trình, dự án này đã kích hoạt cho sức phát triển lâm nghiệp của địa phương, nhất là khi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh lâm nghiệp. Từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần giảm đáng kể sức ép vào khai thác rừng tự nhiên, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, công tác trồng rừng thay thế và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng được ngành nông nghiệp triển khai mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả tích cực. Góp phần bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng của từng vùng theo hướng bền vững, tăng độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, phát huy tốt nhất khả năng phòng hộ, góp phần bảo đảm an toàn sinh thái, phòng chống lũ lụt.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương khu vực Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Đây được xem là một giải pháp ưu tiên để tiếp tục phát triển rừng bền vững.
Lê An