Chiều nay 10/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự tại điểm cầu Quảng Trị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: T.L
Hiện nay, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những năm qua, tỉ lệ tiêm chủng các loại vắc xin cho trẻ em bị ảnh hưởng. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn cầu. Ở một số quốc gia, các ca mắc ho gà và sốt xuất huyết cũng có chiều hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn, thời gian qua, công tác phòng chống sốt xuất huyết đã đạt được những kết quả tích cực. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dù có vắc xin nhưng một số loại bệnh vẫn xuất hiện rải rác, bắt đầu có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, các trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa… Bệnh ho gà hiện đã nảy sinh tại Nghệ An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như bệnh tay chân miệng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hàng năm, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số ca mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong. Một số trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 và A/H9N2 cũng đã được ghi nhận.
Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy, việc tăng cường phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin về tình hình dịch bệnh và những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm, giải pháp nhằm chủ động khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia.
Một số giải pháp được đề ra là: Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội đối với công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường hiệu quả của thông tin, truyền thông nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật; triển khai thực chất, có hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng chống dịch bệnh…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, điều cần thiết hiện nay là phải có những giải pháp quyết liệt, tích cực hơn nữa, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng và công tác phòng chống dịch bệnh.
Trước mắt, đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường tiêm bù, tiêm vét, gắn công tác giám sát dịch bệnh với dự phòng và điều trị; rà soát, đánh giá đối tượng tiêm chủng, sớm đề xuất số lượng vắc xin còn thiếu; báo cáo với UBND tỉnh, thành phố bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động y tế dự phòng; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh…
Tây Long