Bùi Đình Thùy là một họa sĩ trẻ đang tham gia sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Tuy bén duyên chưa lâu với hội họa nhưng anh đã tạo được dấu ấn với giới nghệ thuật và người yêu hội họa qua những bức tranh chân dung, tĩnh vật hoặc tranh thiên nhiên lấy cảm hứng từ cảnh đẹp của quê hương Cửa Việt thân yêu.
Họa sĩ Bùi Đình Thùy miệt mài sáng tác – Ảnh: VIỆT HÀ
Đưa quê hương vào trong nét vẽ
Bùi Đình Thùy sinh ra trong một gia đình làm nghề đánh cá tại vùng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh. Tuy trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng anh lại đam mê và có tố chất hội họa từ lúc còn nhỏ. Từ khi biết cầm bút, anh thường vẽ những con vật, dòng sông, con thuyền đánh cá – những hình ảnh vốn quen thuộc nhưng qua nét vẽ của anh lại rất sinh động khiến ai cũng ngạc nhiên và thích thú.
Lớn lên, thi đỗ vào Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chàng trai sinh năm 1992 đã chính thức đặt chân vào con đường nghệ thuật.
Anh tâm sự: “Con đường đến với nghệ thuật hội họa của tôi không dễ dàng. Trong cuộc sống, mỗi người đều muốn tìm kiếm và theo đuổi sở thích của mình, bản thân tôi cũng vậy. Quá trình đang theo học chuyên ngành về thiết kế nội thất, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, tôi luôn tự hỏi mình có phù hợp và thực sự thích nó không? Sâu thẳm trong tim, tôi biết với niềm đam mê hội họa từ lúc còn nhỏ và cá tính của mình thì công việc họa sĩ là rất phù hợp với mình.
Do vậy, quá trình theo học ở trường, tôi thường xuyên đến dự thính các lớp hội họa và học hỏi các thầy giáo dạy vẽ. Đến khi ra trường, tôi không theo đuổi chuyên ngành mình học mà sang con đường hội họa. Hiện nay tôi là họa sĩ tự do”.
“Dấu ấn thời gian”
Bằng khả năng vẽ theo trường phái hiện thực, họa sĩ Đình Thùy tạo nên những bức tranh đẹp đến khó tin. Ban đầu, ai cũng nghĩ đây là sản phẩm của công nghệ hiện đại, được chỉnh sửa tỉ mỉ bằng photoshop. Những chủ đề được anh thể hiện thật dung dị, đó là mùa xuân thanh bình của đất nước, sinh hoạt đời thường của người dân mọi miền, hoa trái các vùng miền… Đình Thùy không sử dụng bất kỳ phần mềm nào mà chỉ phác họa bằng tay rồi dùng màu tô lên.
Anh chăm chút từng đường nét nhỏ nhất trong bức tranh, điều này giúp tác phẩm thêm sinh động, có hồn hơn. Để hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật của mình, Đình Thùy tốn không ít công sức, có bức tranh được họa sĩ ấp ủ tới vài tháng mới xong. Họa sĩ Đình Thùy chia sẻ: “Cuộc sống là chất liệu phong phú nhất để người họa sĩ sử dụng trong các bức tranh của mình. Tôi luôn ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc đời thường của cuộc sống xung quanh mình, qua đó gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa”.
Luôn sáng tạo trong xây dựng tác phẩm
Từ đối tượng nghệ thuật tưởng chừng khô cứng, đóng khung trong cuộc sống nhưng khi đưa vào tranh, họa sĩ Đình Thùy luôn tự làm mới bằng cách xây dựng bố cục, phong cách thể hiện, sử dụng chất màu dày, nóng cùng nét vẽ phóng khoáng, có sự phá cách. Tuy nhiên, anh cũng tạo ra không gian mở để người xem dễ cảm nhận về câu chuyện trong tranh.
Với anh, để có tác phẩm chất lượng, người họa sĩ không chỉ vẽ bằng tài năng mà còn bằng cảm xúc thẩm mỹ. Bắt gặp một bông hoa ven đường hay khung cảnh làng quê, anh thường ghi chép lại bằng trí nhớ và khai thác nó để tạo nên tác phẩm nghệ thuật.
Theo nghiệp sáng tác đến nay, họa sĩ Đình Thùy đã có rất nhiều bức tranh về đề tài tả thực, chủ yếu là tranh sơn dầu và Acrylic vẽ trên chất liệu vải. Anh cũng đã tham gia nhiều triển lãm trong khu vực và toàn quốc.
“Sau mưa”
Thạc sĩ Võ Văn Luyến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, cho rằng: “Trải qua nhiều thời đại với những biến thiên của lịch sử và khoa học, tranh tả thực cũng biến đổi cả về quan niệm lẫn kỹ thuật miêu tả. Song có một vấn đề không đổi, đó là người họa sĩ luôn tìm cách nắm bắt, miêu tả bối cảnh của mình một cách trung thực nhất. Và đó là điều họa sĩ trẻ Bùi Đình Thùy đã thực hiện được, cho đến ngày hôm nay”.
Một bức tranh chân dung treo trong nhà luôn tạo ra cảm giác ấm cúng và gần gũi. Nếu là những bức chân dung thành công về mặt nghệ thuật thì nó còn gây cho ta cảm xúc thú vị về màu sắc, đường nét, hình khối, thậm chí cả tính cách nhân vật. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi họa sĩ phải có một tay nghề hoàn thiện, một bộ óc quan sát tỉnh táo và một cảm xúc là thứ rất ít khi gặp nhau giữa họa sĩ với người mẫu. Hầu hết các trường mỹ thuật đều dạy vẽ chân dung nhưng chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu cấu trúc tạo hình.
Họa sĩ Trương Minh Dự, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, đánh giá về họa sĩ Đình Thùy: “Có nhiều họa sĩ vẽ theo lối hiện thực như Đình Thùy nhưng ở anh có lối khác biệt ở việc chọn hình tượng cũng như gam màu. Năm 2020, tranh của Thùy đã lọt vào triển lãm toàn quốc, đây là vinh dự của anh em sáng tác hội họa tỉnh Quảng Trị cũng như đánh giá năng lực thực chất của Thùy. Trong những năm gần đây, với lối vẽ hiện thực của mình,
Đình Thùy đã sáng tạo hơn trong xây dựng hình tượng và các hình thể bổ trợ rất đặc biệt. Ở Thùy có lối vẽ mềm mại, gam màu rất đơn giản nhưng có chiều sâu. Đặc biệt hơn cả là họa sắc trong tranh của Thùy đẹp, sang trọng và bắt mắt, công chúng mến mộ. Với chiều hướng như vậy, tin tưởng tranh của Thùy sẽ ngày càng có dấu ấn lớn trong tỉnh và toàn quốc”.
“Thời gian”
Vẽ và chơi tranh tả thực là một thú vui không mới mẻ nhưng sẽ chẳng bao giờ cũ. Đối với Bùi Đình Thùy, bằng cả sự đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngọn lửa đam mê nghệ thuật của dòng tranh tả thực luôn thôi thúc cháy bỏng từ ấy cho đến nay. “Họa sĩ luôn chuẩn bị cho mình ý tưởng mới, để thay đổi chính mình vượt qua chính mình mới là điều khó nhất. Tương lai tôi muốn có những cuộc triển lãm của riêng mình, để mình luôn mới hơn, lạ hơn trong mắt công chúng”, họa sĩ Đình Thùy chia sẻ.
Từ những bức tranh chân dung ấn tượng và phong cảnh dung dị đời thường cóp nhặt trên con đường nghệ thuật mới mẻ của mình, họa sĩ Bùi Đình Thùy đã tạo dựng được sắc thái riêng trong dòng tranh tả thực của trường phái hiện thực. Mong rằng anh, bằng tài năng, niềm đam mê của mình tiếp tục góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống muôn màu.
Nguyễn Việt Hà