Hiểu rõ ý nghĩa của đồng vốn, thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã trở thành nhịp cầu dẫn vốn chính sách đến với thanh niên. Sự tiếp sức ấy đã góp phần giúp hành trình xây nền móng, phát triển kinh tế của nhiều bạn trẻ vơi bớt phần nào thách thức.
Cán bộ Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho thanh niên phát triển kinh tế -Ảnh: Q.Đ
Trong những ngày cuối chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dù bận rộn với nhiều công việc nhưng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và các địa phương, đơn vị vẫn thu xếp thời gian đến tham quan, tìm hiểu, hỗ trợ các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tại huyện Hướng Hóa, thành viên trong đoàn đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp du lịch cộng đồng của đoàn viên Hồ Hữu Thăng; mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Hoàng Văn Thụ; mô hình chế biến cà phê và trồng chanh dây của đoàn viên Trần Văn Quốc; mô hình du lịch cộng đồng của đoàn viên Trần Nguyễn Quang Cương… Tận mắt nhìn thấy bước phát triển của từng mô hình, ai cũng vui mừng. Đây chính là động lực để họ thêm nêu cao quyết tâm, tích cực vượt khó để tiếp tục dẫn vốn chính sách.
Cũng như phần đông bạn trẻ miền núi, trước đây, các chủ mô hình thanh niên phát triển kinh tế kể trên gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Họ thiếu thốn gần như mọi thứ để làm nên thành công. Đặc biệt, đồng vốn khởi nghiệp luôn là nỗi trăn trở lớn nhất. Trong bối cảnh ấy, sự tiếp sức của các cấp bộ đoàn, hội, nhất là nỗ lực dẫn vốn chính sách đã giúp các chủ mô hình vượt qua rào cản.
Anh Hồ Hữu Thăng, trú tại Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp bộ đoàn, hội, cũng như nhiều thanh niên khởi nghiệp khác, tôi khó tự tin với quyết định khởi nghiệp của mình. Những đồng vốn chính sách do các cấp bộ đoàn, hội khâu nối đã giúp tôi và người thân trong gia đình vượt qua khó khăn buổi đầu để xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp du lịch cộng đồng. Các cán bộ đoàn, hội còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tôi”.
Cũng giống như anh Hồ Hữu Thăng, chị Đinh Thị Thu Thảo, trú tại Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cũng đã vươn lên nhờ đồng vốn mà các cấp bộ đoàn, hội dẫn về. Năm 2018, chị Thảo xây dựng mô hình vườn hoa mang tên “Miền viên thảo”. Với tư duy tốt của một người từng theo học chuyên ngành du lịch, chị Thảo đã giúp vườn hoa hình thành trên rẫy cà phê của gia đình trở thành một địa điểm thu hút du khách gần xa.
Có đà vươn lên, chị quyết định mở rộng mô hình và phục vụ nhu cầu ăn uống của khách. Tính toán là thế nhưng việc thiếu nguồn vốn khiến chị rơi vào cảnh “cái khó bó cái khôn”. Trong lúc đang loay hoay tìm cách, chị Thảo rất mừng vì được các cấp bộ đoàn, hội mở lối, đến với nguồn vốn vay giải quyết việc làm. “Nguồn vốn 100 triệu đến lúc đang cần khiến tôi mừng khôn tả. Từ đây, tôi có thêm động lực để vươn lên”, chị Thảo bộc bạch.
Anh Hồ Hữu Thăng và chị Đinh Thị Thu Thảo chỉ là hai trong số rất nhiều thanh niên Quảng Trị vươn lên nhờ nhịp cầu dẫn vốn chính sách của đoàn, hội. Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn hiểu sâu sắc những khó khăn, thử thách của các bạn trẻ trong lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ không biết phải xoay xở như thế nào để có đồng vốn giải quyết khó khăn, thử thách trong những ngày đầu. Hiểu rõ điều đó, các cán bộ đoàn, hội đã vào cuộc với tất cả tinh thần, trách nhiệm.
Để thiết thực tiếp sức cho các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp, các cán bộ đoàn, hội đã tích cực khảo sát, nắm bắt tình hình và làm việc với các cấp, ngành, đơn vị liên quan, qua đó tìm ra nhiều giải pháp dẫn nguồn vốn về cho thanh niên. Nhiều chương trình phối hợp, bản cam kết sớm được xây dựng để hình thành, nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ vốn cho thanh niên vay phát triển kinh tế.
Không chỉ đưa nguồn vốn về đúng người, đúng đối tượng, các cán bộ đoàn, hội còn thường xuyên làm công tác thăm hỏi, động viên người vay vốn và kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện. Nhờ đó, hiệu quả của đồng vốn chính sách qua các kênh được phát huy cao độ.
Theo số liệu thống kê, riêng trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cam kết hỗ trợ vốn vay cho 300 mô hình thanh niên phát triển kinh tế với tổng kinh phí 50 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đó, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh còn tích cực chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội phối hợp với ngân hàng xã hội các cấp hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, qua đó nâng tổng dư nợ vốn vay ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội qua kênh đoàn, hội tính đến hết tháng 10/2023 là 535 tỉ đồng, tăng trưởng dư nợ đạt 23%.
Phát huy vai trò, vị trí của mình, các cấp bộ đoàn, hội đã tích cực triển khai, tuyên truyền, rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình cho vay ưu đãi theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQCP và cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong đoàn viên, thanh niên. Trong năm 2023, có 325 mô hình, dự án thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn đã được hỗ trợ vốn vay ưu đãi với tổng số tiền 23 tỉ đồng. Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương đoàn tiếp tục được quản lý tốt với 12 dự án, dư nợ 1,1 tỉ đồng.
Sự tiếp sức về nguồn vốn của các cấp bộ đoàn, hội đã mang lại những kết quả đáng mừng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3 tổ hợp tác, 82 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, 492 mô hình thanh niên làm kinh tế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tri ân các cấp bộ đoàn, hội, nhiều chủ mô hình đã nỗ lực vươn lên, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là thanh niên yếu thế.
Họ cũng đã trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên khác mạnh dạn vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lập thân, lập nghiệp, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Quang Đăng