Hôm nay 9/11, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật Hóa chất, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Nhà giáo. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tham gia thảo luận.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Ảnh: NL
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng quy định trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo có nhiệm vụ “Xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo” là không khả thi vì theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì các hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp được thành lập từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đến trung ương, nếu quy định như dự thảo sẽ không khả thi đối với cấp xã, đề nghị nên quy định cụ thể các tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo từ ở cấp nào thì được thực hiện quyền này.
Về quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tại Điều 19a, đại biểu cho rằng: Tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, Chính phủ đã có những điều chỉnh khi các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung về yêu cầu nội dung, điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mới phát sinh.
Do đó, nếu quy định nội dung trên vào dự thảo luật khi cần sửa đổi, bổ sung về yêu cầu nội dung, điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mới phát sinh sẽ gặp khó khăn, không thể điều chỉnh linh hoạt, kịp thời đối với những sản phẩm, hàng hóa đặc biệt vốn mang tính kỹ thuật, chuyên ngành dễ phát sinh và luôn biến động theo từng thời kỳ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điều 19a và giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này và bổ sung quy định về việc không yêu cầu phải xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời khi có sự thay đổi trên thực tế.
Tham gia ý kiến và dự án Luật Hóa chất, về quy định các hành vi bị cấm, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung vào Điều 7 quy định cấm hành vi xả thải, xả các hóa chất nguy hiểm ra môi trường chưa qua xử lý. Vì đây là vấn đề phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống cũng như sức khỏe của con người. Đồng thời, cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi không thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước đối với hóa chất vào điều này.
Đại biểu Hồ Thị Minh – Ảnh: NL
Tham gia ý kiến thảo luận dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định “tiền lương và chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập”, theo đại biểu rất khó để cân đối thực hiện đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Thực tế, mức thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động hầu như thấp hơn mặt bằng chung của nhà giáo cùng chuyên môn trong cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, việc thỏa thuận cũng dựa trên khả năng cân đối nguồn lương của cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc quy định cứng như dự thảo có thể khiến các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị gánh nặng chi phí trả lương cho nhà giáo, dẫn tới một số tiêu cực không mong muốn như: tăng học phí, tăng phụ thu cho học sinh.
Về quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền tàu xe về thăm gia đình, đại biểu không đồng tình về quy định trên vì gây mất công bằng đối với công chức, viên chức khác.
Theo đại biểu, khi thực hiện nhiệm vụ công tác tại vùng khó khăn, nhà giáo đã được hưởng chính sách phụ cấp đặc thù, việc nghỉ việc riêng về thăm gia đình mà được hỗ trợ sẽ trái với quy định Luật Ngân sách quy định 1 năm công chức, viên chức chỉ được hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe, đi lại 1lần/năm khi nghỉ phép. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo tại Điều 30, ý kiến đại biểu đồng tình về việc Ban soạn thảo đã có quy định “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên mở rộng xem xét đối tượng là giáo viên tiểu học nếu có nguyện vọng sẽ được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-thao-luan-tai-to-ve-cac-du-an-luat-189619.htm