Chiều nay 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 17/6 – Ảnh: N.T.L
Tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đã tham gia ý kiến, cụ thể:
Đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi):
Tại khoản 1 Điều 2: đại biểu đề xuất bổ sung cụm từ “và các giao dịch khác” vào định nghĩa công chứng. Theo đại biểu thì, bổ sung cụm từ này nhằm bao quát đầy đủ các loại giao dịch được công chứng, tránh tình trạng hiểu sai lệch và không bao quát về các loại giao dịch được công chứng theo thủ tục bắt buộc hoặc theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Điều này sẽ giúp việc công chứng trở nên rõ ràng và toàn diện hơn.
Đại biểu đề nghị sửa lại là: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng, chứng nhận tính xác thực hợp pháp của giao dịch dân sự và giao dịch khác bằng văn bản (sau đây gọi là giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Tại điểm e khoản 1 Điều 7, dại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét bỏ quy định cấm tổ chức hành nghề công chứng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do là việc quảng cáo giúp cá nhân, tổ chức hiểu biết nhiều hơn về hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, nhất là ở các địa bàn mới thành lập, vùng sâu, vùng xa. Điều này tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính và giảm chi ngân sách nhà nước.
Tại khoản 1 Điều 8: đại biểu đề nghị mở rộng độ tuổi hành nghề của công chứng viên từ 70 lên 75 tuổi. Theo đại biểu, nhiều người 70 tuổi rất có kinh nghiệm và minh mẫn, đảm bảo sức khỏe để tiếp tục công tác. Quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội. Việc mở rộng độ tuổi này sẽ đảm bảo tính ổn định và hiệu quả cho hoạt động công chứng.
Đối với khoản 3 Điều 9, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng trợ giúp viên pháp lý (của trung tâm trợ giúp pháp lý); trưởng phòng tư pháp cấp huyện vào danh sách những người được giảm một phần hai thời gian đào tạo nghề công chứng.
Theo đại biểu thì những đối tượng này là những người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, vai trò tương tự như luật sư công; là người được thực tiễn chứng minh. Việc bổ sung này sẽ tạo điều kiện cho những người đã có kinh nghiệm pháp lý được tham gia vào lĩnh vực công chứng, góp phần nâng cao chất lượng công tác công chứng.
Tại khoản 1 Điều 36, theo đại biểu, việc dự thảo quy định công chứng viên phải xuất trình thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đại biểu đề nghị quy định công chứng viên chỉ cần “đeo thẻ công chứng viên” sẽ phù hợp hơn với thực tiễn, giúp người dân dễ dàng nhận biết và xác thực công chứng viên và phù hợp với nền hành chính công vụ hiện nay.
Ở Điều 42, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bổ sung thêm khoản 3 vào Điều 42 với nội dung: trong trường hợp khách quan hoặc do nguyên nhân từ phía người yêu cầu công chứng, dẫn đến không đảm bảo thời hạn theo quy định tại khoản 2 điều này thì người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng được quyền thỏa thuận thời hạn công chứng.
Theo đại biểu, trên thực tế, có nhiều trường hợp hồ sơ công chứng bị kéo dài do các nguyên nhân khách quan hoặc từ phía người yêu cầu công chứng. Quy định này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tránh phát sinh thêm thủ tục và đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình công chứng.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại Điều 43 để phù hợp với thực tiễn, cho phép công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong nhiều trường hợp hơn. Theo đại biểu, việc công chứng quan trọng là cần đúng quy trình theo quy định của pháp luật, công chứng viên cần chứng kiến việc ký/điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, không nhất thiết phải giới hạn việc công chứng tại trụ sở. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là trong các trường hợp đặc biệt.
Đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị sửa đổi quy định để cho phép cơ sở kinh doanh có thuế suất 5% và 10% được hoàn thuế giá trị gia tăng trong những điều kiện cụ thể tại khoản 1 Điều 15.
Cụ thể, tại khoản này được sửa đổi, bổ sung lại thành: “1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp cơ sở sản xuất – kinh doanh có sản xuất cung ứng nhiều loại hàng hóa dịch vụ và chịu thuế suất thuế GTGT vừa 5% và 10% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết của hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý được hoàn thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất – kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%.
Đối với số thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho sản xuất – kinh doanh hàng hóa dịch vụ 5% và hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 10% không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5% được xác định theo tỉ lệ giữa doanh thu của hàng hóa dịch vụ 5% trên tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ của kỳ hoàn thuế”.
Lý giải đề nghị sửa đổi này, đại biểu cho rằng, quy định hiện hành chỉ cho phép hoàn thuế đối với cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa cung ứng dịch vụ chịu thuế suất 5%, dẫn đến bất cập cho các cơ sở kinh doanh có phát sinh bán hàng hóa cung ứng dịch vụ chịu thuế suất 10%. Việc sửa đổi sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng
Việc Quốc hội quyết định gia hạn Nghị quyết về giảm 2% thuế VAT đến ngày 31/12/2024 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đại biểu Hoàng Đức Thắng. Đại biểu cho rằng, quyết định này của Quốc hội là hết sức hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế.
Theo đại biểu, việc giảm 2% thuế VAT không chỉ là một biện pháp tài chính mà còn là một hành động “khoan sức dân” đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho cả doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu phân tích rằng, việc giảm thuế này mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng lại có tác động tích cực đến mục tiêu phát triển dài hạn của nền kinh tế. Việc giảm 2% thuế VAT sẽ kích thích tiêu dùng và đầu tư, tạo đà phục hồi kinh tế sau giai đoạn khó khăn. Đây là một quyết định cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Hy vọng rằng, các chính sách hỗ trợ kịp thời như thế này sẽ tiếp tục được triển khai để đảm bảo nền kinh tế của nước ta vượt qua những thách thức hiện tại và đạt được sự phát triển ổn định trong tương lai.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân – Cẩm Nhung