Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, chiều nay 27/6 Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật.
Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 trong đó không đưa nội dung cứu nạn cứu hộ (CNCH) vào phạm vi điều chỉnh.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các sự cố tai nạn ngày càng phức tạp, việc mở rộng và bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật PCCC và CNCH là cần thiết và hợp lý.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật – Ảnh: CN
Điều này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác CNCH, đảm bảo việc triển khai thi hành các quy định pháp luật về PCCC và CNCH được đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng PCCC và CNCH trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Tham gia góp ý vào các điều luật cụ thể; tại Khoản 5, Điều 5 quy định về nguyên tắc PCCC, CNCH, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng trình bày như dự thảo là chưa đầy đủ, vì khi thực hành hoạt động PCCC, CNCH, bên cạnh nhấn mạnh vai trò của lực lượng và phương tiện tại chỗ thì việc chuẩn bị vận hành cơ chế chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong phương châm “ 4 tại chỗ” là rất quan trọng, không thể thiếu được và giúp cho chúng ta chủ động chuẩn bị trong phòng ngừa cũng như có điều kiện nhân, vật lực và chỉ huy thống nhất để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra một cách có hiệu quả nhất. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa nguyên tắc này theo hướng làm rõ phương châm hành động “4 tại chỗ”.
Về quy định ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy quy định tại Điều 27 của dự thảo, đại biểu đề nghị cần làm rõ Khoản 1: “Lực lượng được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy được ưu tiên đi trên các phương tiện giao thông” là ưu tiên như thế nào? Ưu tiên sử dụng phương tiện, ưu tiên khi di chuyển trên đường giao thông, hay ưu tiên con người đi trên các phương tiện giao thông?
Mặt khác, lực lượng tham gia chữa cháy bao gồm nhiều lực lượng như: Dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, kể cả người dân…vậy, trong trường hợp này lực lượng nào sẽ được ưu tiên, một số lực lượng hay toàn và liệu có khả thi không? Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thiết kế đầy đủ nội hàm của Khoản này cho phù hợp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc PCCC đối với nhà ở của người dân từ trước đến nay ít được quan tâm đầy đủ. Các quy định của Luật dường như chỉ là khuyến nghị, khuyến cáo, không thành quy phạm có tính bắt buộc.
Vì vậy, người dân không sẵn sàng cho công tác phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn và tư tưởng chủ quan, đơn giản vẫn là phổ biến trong nhân dân về PCCC.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp cận nghiên cứu kỹ, sâu và đầy đủ, cụ thể hơn nữa về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở người dân, xác lập các quy định trang bị cơ sở vật chất và quy tắc ứng xử, hành động của người dân về PCCC, thoát nạn một cách cụ thể, có tính bắt buộc.
Theo đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Điều 17 của dự thảo quy định về phòng cháy ở nhà ở và Khoản 2, Điều 46 quy định về trang bị phương tiện PCCC đối với hộ gia đình cần thiết kế xứng tầm hơn, cụ thể hơn theo hướng yêu cầu trang bị đầy đủ phương tiện, các nguyên tắc và quy tắc ứng xử của người dân về PCCC và thoát nạn, bảo đảm sự chủ động phòng ngừa tích cực, xử lý tình huống hiệu quả, an toàn.
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và có quy định hợp lý hơn về người chỉ huy chữa cháy, tổ chức cứu nạn, cứu hộ.
Cẩm Nhung
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-hoang-duc-thang-tham-gia-thao-luan-ve-du-an-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-186492.htm