Hôm nay 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại Quốc hội ngày 23/10/2024 – Ảnh: N.T.L
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng, cơ bản đánh giá cao chất lượng dự án luật và thống nhất với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như sau:
Về cụm từ “lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cụm từ này, liệt kê chi tiết nhóm quyền, lợi ích tốt nhất cần đưa vào Điều 4 để giải thích khái niệm “lợi ích tốt nhất” trong các quy định này.
Về quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời tại Điều 9, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung: “Đối với người chưa thành niên là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong trường hợp xét thấy cần thiết phải sử dụng song song ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ dân tộc của người chưa thành niên tham gia tố tụng” để bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên người đồng bào dân tộc thiểu số chưa đọc thông, viết thạo, hỗ trợ về mặt pháp lý thuận lợi hơn cho đối tượng này.
Về quy định hạn chế khung giờ đi lại tại Điều 46, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng việc hạn chế khung giờ đi lại của người chưa thành niên phạm tội trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là chưa phù hợp, sẽ gây khó khăn, trở ngại trong việc đi học văn hóa, học nghề của các em. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, quy định khung giờ “hạn chế” một cách linh hoạt phù hợp chẳng hạn như lùi lại từ 21 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, hoặc để quy định này cho các văn bản dưới luật quy định.
Về quy định phạt tiền tại Điều 113, mặc dù đã có giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đại biểu Hoàng Đức Thắng băn khoăn về nội dung và tính pháp lý của điều luật này, đề nghị Quốc hội nên cân nhắc việc quy định phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vì Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không quy định hình thức phạt tiền đối với nhóm đối tượng này. Cụ thể, tại Điều 91 (nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội) và Điều 98 (các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) gồm: cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ; phạt tù có thời hạn.
Do đó, việc đưa hình thức phạt tiền vào quy định cho nhóm độ tuổi này là chưa thống nhất với với Bộ Luật Hình sự hiện hành. Theo đó, trong thực tế, người chưa thành niên phần lớn là người sống phụ thuộc, không có tài sản riêng, mặt khác việc xác minh người đó có thu nhập, có tài sản riêng làm phát sinh thủ tục hành chính. Trong những trường hợp cụ thể, việc xác minh này không đơn giản, khó khả thi làm phát sinh sự bất hợp lý, không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật; người thì phạt tiền, người thì không.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội không nên quy định hình phạt này hoặc nếu có quy định thì không quy định theo kiểu tùy nghi.
Mặt khác, trong quy định của dự thảo luật cũng có nêu gia đình, người thân của người chưa thành niên có tài sản tự nguyện nộp phạt thì đây không phải chế tài xử lý mang tính bắt buộc và không đúng đối tượng xử phạt, điều này sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho các cháu là vi phạm xong rồi nộp phạt, không mang ý nghĩa răn đe, giáo dục. Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận xét quy định này “lợi bất cập hại”, rất cần được nghiên cứu, xem xét và cân nhắc.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-duc-thang-gop-y-du-thao-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-189190.htm