Hôm nay 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển KT – XH, ngân sách nhà nước và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội ngày 29/5 – Ảnh: T.T
C ó quyết sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ, trong 4 tháng đầu năm ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và bình quân có trên 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đại biểu đề nghị Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt vào những khó khăn của doanh nghiệp trên quan điểm doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Trước con số biết nói trên, đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có vấn đề về tín dụng.
Đại biểu phân tích, việc tăng thu ngân sách nhà nước mạnh hơn chi đã tạo ra thặng dư gần 300 nghìn tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm, nhưng cũng có nghĩa là một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã bị rút lui khỏi nền kinh tế mà chưa được tái phân phối kịp thời.
Điều này dẫn đến sự tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp, thậm chí đang âm (-1,1% đến cuối tháng 4), trong khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 1,9% so với đầu năm. Vì vậy, đại biểu nhận định để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là vấn đề khá thách thức.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đ ặc biệt coi trọng kiểm soát lạm phát
Đại biểu bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lạm phát và chỉ ra rằng, đến cuối tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023 và bình quân 4 tháng tăng 3,93%.
Nguyên nhân chính là áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, đặc biệt giá dầu, kéo theo giá xăng, dầu trong nước tăng; chi phí giao thông, giá thuê nhà, các chi phí khác cũng tăng khá cao; tỉ giá, giá vàng biến động mạnh, tạo tâm lý tăng giá cả hàng hóa.
Áp lực lạm phát tới cuối năm đang hiện hữu do một số yếu tố như: giá cả hàng hóa thế giới bất định, tiềm ẩn rủi ro gia tăng khi xung đột địa chính trị đang cao trào; tăng lương tối thiểu từ 1/7 khiến giá cả tăng theo; cộng hưởng với các yếu tố mùa vụ như dịp hè, đầu năm học mới; nguy cơ thiên tai bất thường những tháng cuối năm nay…
Đại biểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát khi mà chúng ta đã một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế.
Khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, việc phát hiện yêu cầu kéo dài sẽ rõ ràng hơn, tương tự như các nền kinh tế phát triển thời hậu COVID-19 đã phải trải qua và yếu tố lạm phát cũng đang nhen nhóm khi tỉ giá vàng, giá bất động sản phân khúc chung cư ở một số đô thị lớn biến động mạnh. Vì vậy, đề nghị bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.
Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo
Cuối cùng, đại biểu đồng tình với chủ trương thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An. Hiện nay, đã có 10 tỉnh đang thực hiện cơ chế đặc thù, đề nghị có đánh giá việc thực hiện cơ chế đặc thù tại 10 tỉnh này, nếu thấy đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác thực hiện.
Với tinh thần trên, đại biểu đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Đây là tuyến cao tốc điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông – Tây, với chiều dài 56 km với dự toán 13.000 tỉ đồng. Đầu tư với cơ chế đặc thù là nâng cao tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Trong giai đoạn đầu, đề nghị trung ương hỗ trợ một phần vốn để làm “vốn mồi” bởi tỉnh Quảng Trị là địa phương còn nhiều khó khăn.
Nguyễn Lý – Thanh Tuân