Powered by Techcity

Đã từng có một Đông Hà như thế


Hiện thời, Đông Hà đã chuẩn bị đầy đủ sức vóc để trở thành đô thị loại II. Đó là một sự thăng tiến rất đáng tự hào đối với mảnh đất và con người Đông Hà. Với riêng mình, nhớ về Đông Hà, trong tôi lại ngoái vọng những kỷ niệm xưa cũ, thuở mới vỡ vạc những chấm phá “làm ăn hai tiếng quen mà lạ” trong hành trình dò dẫm tìm hướng dựng xây cuộc sống mới từ trên bời bời gian khó thời hậu chiến…

Đã từng có một Đông Hà như thế

Đường Hoàng Diệu TP. Đông Hà -Ảnh: Đ.T

Trong bút ký “Khói trắng bay trên đồi Quai Vạc”, viết vào tháng 11/1984, nhà văn Nguyễn Quang Hà có dẫn hai câu ca dao: “Không bột mà gột nên hồ/Tay không mà dựng cơ đồ mới nên” và kể lại rằng: “Khi gặp Nhà máy xi măng Đông Hà, không hiểu sao tôi cứ có cảm tưởng rằng câu ca dao kia là để dành riêng cho nhà máy này vậy. Nếu nhớ lại ngày hôm qua, vùng đồi Quai Vạc là phòng tuyến kiên cố phía Tây Đông Hà, địch hòng ngăn chặn lực lượng giải phóng thọc từ đường 9 về. Thì đúng vậy, Sư đoàn Quân Tiên phong đã đập nát phòng tuyến này bằng quyết tâm và súng đạn, đại quân tràn xuống giải phóng Đông Hà, Quảng Trị, phần đất địa đầu của miền Nam bây giờ. Bên vùng Quai Vạc đạn bom, hoang tàn xưa, nay mọc lên một nhà máy xi măng, hai ống khói vươn cao nhả khói bay khoan thai giữa trời xanh. Màu khói trắng nõn nà và màu trời biếc xanh chẳng là một bài ca thanh bình đó sao…”.

Để có một “bài ca thanh bình” như cách nghĩ lãng mạn của nhà văn Nguyễn Quang Hà, tôi biết, những người lãnh đạo thị xã lúc bấy giờ đã “lao tâm khổ tứ” đến nhường nào.

Theo hồi ức của ông Hồ Ngọc Hy, nguyên Bí thư Thị ủy Đông Hà (1986-1992), dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Đông Hà năm 1977-1978 do Viện Cơ khí động học Trung ương thiết kế rất hiện đại.

Để phù hợp với tình hình kinh tế và năng lực vận hành lúc bấy giờ, sau khi điều chỉnh thiết kế, nhà máy có công nghệ lò đứng đơn giản, công suất 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 7 triệu đồng. Chất lượng xi măng đạt cường độ kháng ép P-400.

Nhà máy xi măng Đông Hà đi vào hoạt động ổn định và ngày càng nâng dần sản lượng, chất lượng, từ 3.021 tấn vào năm 1981 tăng lên 4.100 tấn vào năm 1985, không những đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, nhà ở của Nhân dân trong tỉnh Bình Trị Thiên mà còn cho các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và một số địa phương của nước bạn Lào…

Khi tôi ngồi viết những dòng này với bao hồi ức về những ngày đầu lập lại tỉnh Quảng Trị thì nhận được thông tin lãnh đạo tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét quyết định công nhận TP. Đông Hà là đô thị loại II. Là thị trấn nhỏ với khoảng hơn 1.000 dân trước năm 1954, qua bao biến thiên lịch sử, đến năm 1989, Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Ngày 13/12/2005, Đông Hà được công nhận là đô thị loại III. Đến ngày 11/8/2009, TP. Đông Hà được thành lập với quy mô 9 phường, tổng diện tích 73 km2 , dân số 164.000 người và được đánh giá là một đô thị trẻ năng động đầu cầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông- Tây.

Theo đánh giá của những người nặng lòng với Đông Hà từ những ngày vừa được giải phóng (28/4/1972), mảnh đất này từng là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó, sáng tạo trong chiến đấu, lao động xây dựng; là ngọn nguồn cảm hứng của không ít văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý… tài hoa của quê hương, đất nước. Họ đã đến đây và cống hiến cho Đông Hà những công trình khoa học, những công trình xây dựng cơ bản, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội và cả những tác phẩm văn học, văn hóa – nghệ thuật… có giá trị.

Một điều thật đáng tự hào là cách đây trên 40 năm, con số thống kê vào năm 1983 cho thấy, Đông Hà đã có 35 xí nghiệp quốc doanh sản xuất, xây dựng cơ bản, 19 hợp tác xã, tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút 65% lao động trên địa bàn vào làm ăn tập thể; đã hình thành hệ thống sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp khá vững.

Nhiều xí nghiệp ra đời như Xí nghiệp nhiệt điện diesel, Xí nghiệp nước, Xí nghiệp cơ khí 20/12, phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất chổi đót, mành trúc, thêu ren, giày da xuất khẩu, sản xuất thép (Xí nghiệp 20/12), sản xuất đinh, phấn viết thạch cao…

Đặc biệt nổi bật có một số cơ sở sản xuất- kinh doanh, hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục… mà các địa phương khác trong tỉnh Bình Trị Thiên chưa có như: nhà máy xi măng, nhà máy bia, nhà máy nước, trạm bơm điện 1.000 kVA với đường dây 35kV, hai chiếc tàu vận tải thủy trọng tải 400 tấn/chiếc, nhà làm việc 3 tầng của UBND thị xã Đông Hà, nhiều trường học, bệnh viện (như Bệnh viện Hà Lan nổi tiếng một thời) được xây dựng kiên cố, khang trang đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em và khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Trong bút ký Đông Hà- con người và thời gian, viết vào tháng 7/1985, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng kể lại rằng thị xã Đông Hà hồi đó (10 năm sau ngày giải phóng – năm 1982- NV) còn ít dân, vẫn tạo được sức hấp dẫn riêng bằng những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp cấp cao… Ngoài những đồ dùng đan bằng dây điện ngũ sắc, các loại thùng nước, bồn giặt, thùng tưới, còn có những loại đinh đóng thuyền, những bàn chải làm bằng sợi bao cát, những bộ phận xe đạp sản xuất tại chỗ bằng kỹ thuật dũa và hàn xì…

Trong bút ký này, nhà văn cũng đã cho ta thấy thời bấy giờ thị xã đã phát điện riêng, cụm máy có công suất 300 kW với nhiều mạng lưới tải điện cao thế đường dây 35 kV chuyển điện lên khu vực chuyên canh Cam Lộ và chuyển điện thắp sáng vào tận Huế. Điện nuôi sống công nghiệp thị xã và giải quyết nước cho nông nghiệp. Cụm máy điện An Thái và Trạm trung gian 1.000 kW bên sông Hiếu cùng với 8 hồ nước dung tích từ 1 triệu đến 4 triệu khối nước.

Với điện và nước, Đông Hà cơ bản tưới đủ vụ đông xuân và 40% vụ hè thu trên tất cả đất nông nghiệp hiện có. Một dấu ấn của Đông Hà sau hơn 10 năm giải phóng đó còn là ở nông thôn, vấn đề cuộc sống coi như đã ổn định; còn lại khu vực thị dân, 80% đã tìm thấy công ăn việc làm trong lao động, xuất khẩu hàng hóa (riêng cây ớt, chỉ tiêu xuất khẩu năm 1985 của Đông Hà là 1 triệu rúp- đô la) và các ngành nghề dịch vụ khác.

Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là một nét lớn, nhân đạo nhất đối với một thị xã trước kia là quân trấn chỉ sống bằng dịch vụ chiến tranh…

Về lĩnh vực văn hóa- văn nghệ, bộ phim tài liệu lịch sử truyền thống “Mảnh đất và con người Đông Hà” đã được hoàn thành, trình chiếu rộng rãi, tạo ấn tượng tốt đẹp và nguồn cỗ vũ động viên to lớn đối với đông đảo người dân.

Năm 1984, nhóm văn nghệ sĩ trung ương do nhạc sĩ Trần Hoàn làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đông Hà. Đoàn gồm các nhạc sĩ nổi tiếng: Thuận Yến, Tân Huyền, Hoàng Sông Hương và các ca sĩ Thu Hiền, Lê Dung, Hồng Năm… Từ đây, một số bài hát đi cùng năm tháng đã ra đời, như “Nhịp chèo sông Hiếu” của Trần Tích; “ Đông Hà, thành phố tương lai” của Hoàng Sông Hương; “Làn khói bay bay” của Trần Hoàn, “Cỏ non Thành Cổ” của Tân Huyền…

Ở một khía cạnh khác, cần phải khẳng định, Đông Hà có được “gương mặt đô thị” với điểm nhấn là dòng sông Hiếu và cảnh quan hai bên bờ sông mở ra không gian phát triển bền vững như hôm nay cũng chính nhờ sự chuẩn bị cho tương lai của thế hệ đi trước lựa chọn, mở đường.

Đông Hà sau trước vẫn là đô thị gắn với sông nước do nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa 2 con sông quan trọng của vùng Quảng Trị là sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Đông Hà cũng là đô thị được bao bọc 3 phía bởi 3 con sông: Thạch Hãn, sông Hiếu và Vĩnh Phước.

Ngoài ra còn có Hói Sòng và nhiều hồ như hồ: Trung Chỉ, Khe Mây, Đại An, Khe Sắn… Dọc đôi bờ sông Hiếu có ruộng vườn trù phú, có sản vật đa dạng với cảnh sắc non nước hữu tình ở vùng hạ lưu, đã được học giả Dương Văn An cảm tác khen ngợi: “Thượng Độ, Hạ Độ mặt trăng trên nước, trăng ngần”; “Thượng Độ, Hạ Độ dãy núi ngoài mây, xanh biếc”…

Trong bài báo: “Suy nghĩ về cách đặt vấn đề quy hoạch thị xã Đông Hà” đăng trên báo Quảng Trị ra ngày 3/8/1989, kiến trúc sư Bùi Hiệt có viết: “Tỉnh lỵ của một tỉnh thông thường là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một tỉnh. Quy hoạch thị xã Đông Hà cũng là làm nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ cho nền sản xuất, đời sống, văn hóa của toàn tỉnh ngày một nâng lên, chứ không chỉ phục vụ cho nhu cầu thị xã, mà còn có tầm chiến lược của cả tỉnh. Đến lượt mình, thị xã Đông Hà như là một đối tượng, một chỉnh thể phục vụ cho mục đích chung đó. Vậy thì phải tạo cho bản thân Đông Hà có một cấu trúc hợp lý, đủ mạnh, đủ khả năng lan tỏa, ảnh hưởng ra cả tỉnh.

Quy hoạch thị xã Đông Hà không chỉ có “mục đích tự thân”. Một đô thị ra đời và phát triển theo quy luật riêng của nó, thậm chí những khả năng xung quanh đô thị lại có tác động hầu như quyết định đến tính chất, quy mô và hình thái của đô thị.

Với Đông Hà, tôi nghĩ chính cảng Cửa Việt đóng vai trò quyết định đó. Nếu đường 9 đã góp phần sinh ra thị xã Đông Hà thì cảng Cửa Việt sẽ nuôi dưỡng, làm cho đô thị này lớn lên gấp bội”. Trong quá trình phát triển, dự phóng này của kiến trúc sư Bùi Hiệt đã được kiểm chứng và tỏ rõ sự “có căn cứ” của nó.

Có một nhà văn hóa nước ngoài từng nói, đại ý rằng, cách thức để nhận ra diện mạo của quê hương chính là phải rời xa nó; cách thức để tìm về quê hương là hãy tìm nó trong tâm hồn mình, trong ký ức, trong hoài niệm…

Hoàn toàn không như một mô hình mẫu, làm ra để mọi người đến chiêm ngắm, một đô thị sinh ra, lớn lên, dù có chăm chút đến đâu cũng không bao giờ toàn bích trong ước vọng của nhiều người bởi sự “thay da đổi thịt” từng ngày, trong đó không phải sự thay đổi nào cũng mang lại hiệu quả tức thì mà không có vấp váp, bất cập, trăn trở…

Do vậy, nhớ về Đông Hà, tôi chỉ nhớ những điều đáng nhớ…

Đào Tâm Thanh



Nguồn: https://baoquangtri.vn/da-tung-co-mot-dong-ha-nhu-the-186674.htm

Cùng chủ đề

Trần Hoàn nhạc sĩ của mùa xuân

Trong thập niên những năm 1980-1990 và cho đến bây giờ, mỗi lần mùa xuân về trên những nẻo đường, góc phố, nhiều bản nhạc xuân của Trần Hoàn lại vang lên trên sóng phát thanh, truyền hình. “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá...”, Từ bài “Tình ca mùa xuân”; “Một mùa xuân nho nhỏ”; đến bài “Hát về mùa xuân”; “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”... Ông có tới hàng chục bài viết...

Chủ động đáp ứng quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu

Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR), cây cà phê tại Quảng Trị đang đứng trước thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để phát triển bền vững. Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp sản phẩm cà phê địa phương mở rộng cánh cửa vào thị trường quốc tế mà còn khẳng định cam kết của nông dân và doanh nghiệp Quảng Trị trong việc gìn giữ...

Điều chỉnh quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Sáng nay 20/12, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì phiên làm việc với các sở, ngành, địa phương để nghe Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh báo cáo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng và phương án đề xuất điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị.Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên...

Rà soát thực trạng vùng sản xuất để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội phát triển cây cà phê

Hôm nay 9/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tổ chức hội nghị truyền thông về quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) và đánh giá kết quả đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị.Quang cảnh hội nghị - Ảnh: L.ATheo báo cáo của Sở...

Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác bình quân đạt 1.200.000 m 3 /năm trong giai đoạn 2026

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.Kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu, góp phần nâng cao năng...

Cùng tác giả

 Tiếp nhận 153 đơn vị máu từ bác sĩ, nhân viên y tế và người dân trên địa bàn tỉnh

Sáng nay 11/2, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hoạt động hiến máu nhân đạo đợt 2. Hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện cùng các tình nguyện viên đến từ nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.Hoạt động hiến máu đợt 2 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu hút y, bác sĩ và người dân tham gia - Ảnh: T.PTrao đổi...

Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Ất Tỵ

Hôm nay 11/2, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Ất Tỵ - 2025, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân - Ảnh: N.T.HNăm 2024, Hội VHNT tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây...

131 giáo viên THCS dự hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi

Hôm nay 11/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc hội thi giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024 – 2025.Khai mạc hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024 – 2025 - Ảnh: K.STham gia hội thi có 131 giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, đến từ 96 đơn vị, đại diện cho hàng nghìn giáo viên cấp...

Thu nhập khá từ đúc chậu cảnh

Từ sự chủ động trong sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã vượt khó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Một trong số đó có mô hình đúc chậu cảnh của anh Lê Hữu Hải, ở thôn Trường Tiên, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.Anh Lê Hữu Hải...

Nền kinh tế Hải Lăng

50 năm sau ngày quê hương giải phóng, Hải Lăng đang về đích huyện nông thôn mới và đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030, trở thành thị xã đến năm 2040. Để làm nên những điều kỳ diệu trong lĩnh vực kinh tế trên quê hương anh hùng, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển, huyện Hải Lăng đang chuẩn bị tâm...

Cùng chuyên mục

Mùi hương trong rương gỗ

Trong ký ức tôi về buổi chiều cuối cùng của một năm, thường hiện lên chiếc rương gỗ cũ kỹ. Như một chiếc hộp bí mật được bật mở mỗi dịp Tết đến, khi lề khóa lách cách, nắp rương he hé, lập tức một mùi hương nồng nàn thoảng bay ra. Ngày Tết có bao nhiêu mùi hương kỳ lạ mà ngày thường ta không thể ngửi thấy.Xúng xính tà áo mới du xuân - Ảnh: H.C.D1.Ngày trước...

Khởi tranh Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) các cấp và Đại hội TDTT tỉnh Quảng Trị lần thứ IX, năm 2025 - 2026, ngay từ những ngày đầu xuân Ất Tỵ - 2025, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức sôi nổi nhiều giải thể thao nằm trong chương trình thi đấu chính thức của đại hội; tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn ngày Tết, thu hút...

Xách vợt đi tập pickleball

Pickleball là môn thể thao thi đấu trong nhà hoặc ngoài trời, đánh đơn hoặc đôi trên sân hình chữ nhật (13,4 m x 6,1 m). Người chơi dùng một chiếc vợt mặt nhẵn để đánh một quả bóng nhựa rỗng, đục lỗ, qua lưới cao 0,86 m cho đến khi một bên không thể trả bóng hoặc phạm luật. Môn thể thao được phát minh vào năm 1965 tại Mỹ, trở thành cơn sốt thể thao ở Mỹ...

Chân thực và cảm động

Phim “Mưa đỏ”, một tác phẩm điện ảnh lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, do Điện ảnh Quân đội nhân dân đang thực hiện mang dấu ấn sâu sắc không chỉ bởi nội dung cảm động mà còn nhờ sự chân thực và tỉ mỉ trong xây dựng bối cảnh.Sự đầu tư công phu Phim “Mưa đỏ” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất là một dự án quy mô lớn,...

Độc đáo ẩm thực Lào

Nổi tiếng với những món ăn dân dã, mộc mạc, văn hóa ẩm thực nước bạn Lào làm hài lòng thực khách Việt chính là hương vị độc đáo, hấp dẫn riêng có. Vì thế, không ít người Việt nói chung và người Quảng Trị nói riêng đã lựa chọn đồ ăn Lào vào dịp Tết đến xuân về. Nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên kinh doanh ẩm thực Lào cũng đã xuất hiện tại Quảng Trị, thu hút...

Gói trọn vị quê hương trong những món ngon ngày tết

Những món ngon ngày Tết là một phần không thể thiếu trong khung cảnh sum họp của nhiều gia đình. Bên cạnh yếu tố tâm linh thể hiện ở sự hiện diện đủ màu sắc của ngũ hành trong mâm cỗ Tết, người Quảng Trị còn khéo léo lựa chọn những nguyên liệu thân quen, dân dã nhưng không kém phần tươi ngon, đặc sắc để chế biến những món ăn tươm tất dâng lên ông bà, tổ tiên...

Nét đẹp văn hóa của hồi môn người Pa Kô

Sau những tháng ngày tìm hiểu, được gia đình đôi bên đồng ý, nhiều chàng trai, cô gái Pa Kô nên vợ, nên chồng. Họ được ông bà, bố mẹ, người thân thực hiện phong tục, nghi lễ cưới hỏi rất độc đáo. Trong đó, văn mun (của hồi môn) được người Pa Kô chuẩn bị đầy đủ với mong muốn tương lai con cháu có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Niêng...

Magazine: Làng nghề truyền thống vào xuân

Quảng Trị được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng và ở mỗi vùng quê đều mang nét đặc sắc riêng. Mứt gừng Mỹ Chánh, bánh chưng, bánh tét Đại An Khê, bánh giầy Triệu Trung, bánh hộc Mai Xá đều là những sản phẩm có thương hiệu làm nức lòng người thưởng thức, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về...Quảng Trị được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng và ở mỗi vùng quê...

Khải hoàn ca sau chiến tranh

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc khi tôi tròn mười chín tuổi. Không thể nào quên được cái buổi trưa lịch sử 30/4/1975 ấy, khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin cờ Giải phóng đã tung bay trên dinh Độc Lập. Chúng tôi, những chàng lính trẻ hô vang đến khản giọng “Miền Nam được giải phóng rồi! Chiến tranh kết thúc rồi!”. Hai mươi mốt năm đánh trận trường kỳ, rất nhiều máu và...

Chùm thơ mới sáng tác của nhà thơ Bùi Phan Thảo

Nhà thơ Bùi Phan Thảo sinh năm 1963 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.Tác phẩm xuất bản: Lao xao hồn phố (thơ); Không chờ những giấc mơ (thơ); Búp bê áo rách (tập truyện ngắn); Những ngọn khói về trời (trường ca); Nụ cười trên phố ban...

Tin nổi bật

Tin mới nhất