Tôi muốn mời bạn trước khi đọc những dòng tiếp sau đây, vô trang Youtube nghe ca khúc “Mộng mơ” (Reverie) bất hủ của nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng R.Schumann (1810-1856) với lời Việt của Phạm Duy, do ca sĩ Lệ Thu trình diễn. “Ngồi im, nhìn lên vườn sao lấp lo… Người xưa…biết duyên bạc số vẫn chưa quên tình hờ…”
Mấy chục năm trước, khi còn là một học sinh cấp hai, có một cô bé quê làng Mai Xá (Quảng Trị) tình cờ được nghe các cô chú văn công bàn luận về ca khúc “Mộng mơ” ấy. Hồi đó, cô theo bố là nhà giáo Trương Quang Đệ ra Hà Nội học, tạm trú trong khu tập thể của Văn công trung ương. Tình yêu âm nhạc cổ điển được gieo mầm từ đó và mặc dù không được học một giờ nào về âm nhạc, cho đến nay đã thành bà nội, cô bé “ngày xưa” vừa đưa bạn đọc “dạo chơi” vườn âm nhạc cổ điển thế giới qua cuốn sách rất thú vị “Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024), trong đó chương thứ 10 có tên “Schumann – Clara – Brahms: Còn mãi một tình yêu” – một chuyện tình “tay ba” có lẽ kỳ diệu nhất thế giới.
Bìa tập sách “Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi”
Tình yêu là đề tài vĩnh cữu mà vẫn luôn mới trong văn học nghệ thuật. Bạn sẽ thấy điều đó khi đọc tác phẩm này. Một cuốn sách về âm nhạc lại dành nhiều trang kể một chuyện tình “tay ba” vì tác giả cũng… yêu nghệ sĩ biểu diễn dương cầm Clara (1819-1896) như đã thú nhận: “Tôi yêu mến, ngưỡng mộ bởi chính bà là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của Schumann. Nhiều lúc tôi mạo muội nghĩ rằng, nếu như không có Clara thì nhân loại hôm nay chưa hẳn đã được thưởng thức nhiều bản nhạc hay đến vậy của Schumann… Người ta đã chứng minh: “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”…”.
Trong cuộc đời Schumann, Clara không chỉ là “bóng dáng” đằng sau người chồng. Từ tuổi ấu thơ, Clara đã nổi tiếng là thần đồng; “tên tuổi của bà đã vang khắp cả châu Âu qua những chuyến lưu diễn ngay khi mới 9 tuổi…”. Thi hào Goethe, sau một lần xem cô biểu diễn đã nhận xét: “Cô gái này ẩn chứa sức mạnh phi phàm trong đôi tay hơn cả sáu cậu bé cộng lại”. Sáu mươi năm hoạt động nghệ thuật, bà đã biểu diễn phục vụ công chúng 1.300 buổi! Một tài năng như vậy đã hy sinh tất cả cho Schumann, mặc dù bố mẹ phản đối vì lo con gái nếu làm vợ một tài năng như Schumann, sự nghiệp âm nhạc của Clara sẽ tàn lụi.
Vậy nhưng, ngược lại, vì tình yêu Schumann và cũng là tình yêu với âm nhạc, tên tuổi Clara càng được thiên hạ ngưỡng mộ. Khi đôi tay của Schumann không chơi đàn được nữa, “chính bà là người chơi những bản nhạc của ông, còn ông lui về sau để tập trung vào sáng tác. Kỳ diệu thay, đây chính là thời kỳ rực rỡ nhất trong sáng tác của ông.”
Tình yêu của Brahms dành cho Clara cũng thật đặc biệt. Vào năm 1853, chàng thanh niên Brahms đến nhà Schumann, xin được đánh một bản Sonate mà cậu mới sáng tác. Nghe xong, Schumann lập tức nói với vợ rằng cậu ta chắc chắn sẽ trở thành một thiên tài! Và đúng như vậy, chỉ một thời gian sau, Brahms đã thành nhà soạn nhạc, một nghệ sĩ dương cầm và chỉ huy dàn nhạc tài năng của Đức. Với mối quan hệ đặc biệt như thế, nhưng “bởi tình yêu son sắt với chồng mà bà đã cương quyết cự tuyệt Brahms – người đã luôn dành cả tình yêu thương cho bà… Tình yêu mà Brahms dành cho Clara là thứ tình yêu thuần khiết, là sự dâng hiến, không vụ lợi, không đòi hỏi… Có lẽ thứ tình yêu thuần khiết đó đã giúp ông sáng tác nên những bản nhạc làm đắm say, thổn thức con tim người nghe…”.
Khi Schumann nằm bệnh viện 2 năm trước khi qua đời, Brahms đã trông nom bọn trẻ để Clara đi lưu diễn; và sau khi Schumann rồi 4 đứa con qua đời, lại “chính Brahms làm điểm tựa cho bà, cùng bà vượt qua nỗi đau… tiếp tục vui sống và trở lại với những buổi biểu diễn…”. Thật là kỳ diệu vì suốt 40 năm sau khi Schuman qua đời (1856 – 1896), Clara được sống và hoạt động âm nhạc nhờ sức mạnh tình yêu thuần khiết của Brahms! Vẫn chưa hết, khi tay phải Clara bị đau, phải tạm nghỉ chơi đàn thì Brahms chuyển soạn một ca khúc nổi tiếng của J.S.Bach sang piano cho tay trái để Clara không phải xa cây đàn. Hơn thế, khi bệnh khớp khiến đôi tay Clara không còn đánh được những bản nhạc phức tạp thì Brahms đã sáng tác riêng cho bà những tác phẩm đơn giản hơn…
Cuốn sách trên 300 trang bao gồm cuộc đời, sự nghiệp của 15 nhạc sĩ tài danh nhất thế giới – từ Chopin, Tchaikovsky, Beethoven, Bach. Mozart đến Schumann, Schubert…, nhưng chỉ với câu chuyện tình “tay ba” đặc biệt này, bạn đọc đã hình dung cuốn sách phong phú, đa chiều như thế nào. Và chỉ riêng câu chuyện này, tác giả đã giúp bạn đọc thấu hiểu thêm tình yêu đẹp đẽ của người phụ nữ là ngọn nguồn, là động lực làm nên những tác phẩm văn học nghệ thuật để đời.
Một điều kể cũng lý thú, có thể nói cuốn sách ra đời lại chính nhờ một mồi tình “tay ba” khác – tình yêu của nữ tiến sĩ văn chương Pháp An Na với âm nhạc và những tinh hoa của văn hoá nhân loại. Đã đành, nếu không có tình yêu âm nhạc đến mức mê say như An Na thì không thể viết nên cuốn sách này – dù ở Huế, TP. Hồ Chí Minh hay Paris, phút thư dãn, cô đều tìm đến các quán cà phê nghe nhạc cổ điển; cô đã xem vở “Kép hạt dẻ” 7 lần, kể từ khi vở ballet cũng của Tchaikovsky này được dàn dựng tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2011… Nhưng để có một tình yêu chung thủy với dòng nhạc được xem là “cao cấp” này, An Na có “điểm tựa” vững chắc vô giá là được sống trong một bầu khí quyển đậm đà tình cảm yêu quý những giá trị văn hoá cả Tây phương và Đông phương. Đó là gia đình nhà giáo mẫu mực quê làng Mai Xá. Xin được dẫn lại một bài viết của thầy giáo-chuyên gia Pháp ngữ Trương Quang Đệ, trong khi tìm “nguồn cội” làm nên ca sĩ Tân Nhân nổi tiếng, lần đầu “tiết lộ” cuộc đời thân phụ mình – vị Chủ tịch tỉnh Quảng Trị từ năm 1948, khi ông mới chỉ được bà con quanh vùng tôn kính với tên “ông Trợ Phiên”:
“…Ông Trợ Phiên là một nhà giáo có năng khiếu sư phạm đặc biệt, Tiên Việt học hiệu của ông là một lò luyện người về kiến thức, chí hướng, kỹ năng nghệ thuật. Ngoài giờ học, học sinh tập luyện diễn kịch với đủ các loại hình: cải lương, hát bội, kịch nói. Học sịnh còn tập diễn thuyết trong câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng và chơi thể thao những buổi chiều đẹp trời trên cái gò đồi lộng gió dọc sông. Dấu ấn của thầy Phiên sâu đậm đến nỗi học trò cũ của ông đến tuổi xưa nay hiếm vẫn còn nhớ và có thể đọc thuộc vanh vách những bài toán, lịch sử, khoa học, thơ văn Pháp, thơ Nôm, thơ chữ Hán được ông Trợ Phiên giảng dạy từ những năm ba mươi của thế kỷ trước. Thật khó hình dung là những năm tháng xa xưa đó, ông Trợ Phiên đã có một thư viện đầy đủ các loại sách, kể cả những sách cấm. Ông còn đặt mua đủ các loại báo xuất bản ở Hà Nội, Sài Gòn và Huế. Chính phòng sách ấy, cả sách công khai lẫn sách cấm (Đề Thám, Cao Thắng, Bãi Sậy…) đã góp phần tạo nên nhân cách của ca sĩ Tân Nhân…”.
Và tất nhiên, chuyên gia Pháp ngữ Trương Quang Đệ và tiếp nối là ái nữ Trương Thị An Na đã thành tài (trực tiếp hay gián tiếp) từ “lò luyện người” phong phú, đa chiều của ông Trợ Phiên! Chính nhờ thế mà An Na đã viết những dòng như sau: “Tôi thấy rằng các dạng thức nghệ thuật hoàn toàn không loại trừ lẫn nhau mà chúng luôn tồn tại song hành bên nhau… Bản thân tôi thường ngày vẫn rất thích thú khi đọc xen kẽ giữa sách văn học hiện đại với văn học cổ điển… Tôi vừa nghe nhạc cổ điển nhưng vẫn vô cùng yêu thích những bản nhạc hiện đại của thế kỷ XX, XXI…”.
Vậy nên tôi xin được gọi đây cũng là một “mối tình tay ba”, và hơn thế vì An Na có một tình yêu “đa chiều, đa thanh” đối với văn học nghệ thuật. Mà bản chất cuộc sống cũng là đa thanh. Không có tình yêu với văn chương Pháp, An Na không có dịp tiếp cận được bộ tuyển âm nhạc cố điển thế giới do tờ “Thế giới”(Le Monde) thực hiện đầu thế kỷ XXI…Cũng vì thế, bạn đọc yêu thơ và văn chương Pháp có thể được đọc trong cuốn sách chuyên về âm nhạc cổ điển này những bài thơ hay được An Na chuyển ngữ. Ví như đây là mấy câu thơ được dịch từ lời ca của Schumann mà An Na cho rằng nó “mang màu sắc thơ ca rất độc đáo”. Ca khúc có nhan đề: “Vào tháng năm kỳ diệu”:
“Vào tháng năm kỳ diệu / Tất cả các chồi như bung ra / Trong lòng tôi / Tình yêu nảy nở / Vào tháng năm kỳ diệu / Tất cả những con chim như đều hót…”
Như vậy đó! Nếu bạn đọc bài viết này rồi tìm đọc cuốn sách của An Na, mong bạn thỉnh thoảng cho đôi mắt “giải lao”, mở máy điện thoại, vô trang Youtube nghe những bản nhạc cổ điển nổi tiếng được tác giả liệt kê gần đủ trong cuốn sách và “quên đi” ấn tượng cho rằng nhạc cổ điển chỉ dành cho giới “hàn lâm”. Cuộc sống cũng như nghệ thuật là đa thanh mà! Bạn cứ nghe đi, nghe nhiều lần sẽ… mê! Để làm gì ư? An Na đã trả lời bạn, sau khi nghe những tác phẩm bất hủ của Beethoven: “…tôi có những giây phút thỏa mãn được đắm hồn mình qua từng bản nhạc, theo từng giai điệu với những cung bậc cảm xúc lãng mạn, vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc, sung sướng. Có một điều vô cùng quý giá không thể đong đếm được, đó là sau tất cả, tôi đã nhận ra mọi thữ rõ ràng hơn, để biết yêu thương hơn, trân trọng hơn những con người, những cuộc đời xung quanh mình!”.
Nguyễn Khắc Phê
*“Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi” – Tập ghi chép của Trương Thị An Na, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024
Nguồn: https://baoquangtri.vn/da-co-mot-moi-tinh-tay-ba-ky-dieu-nhu-the-189651.htm