Đây là một trong những mục tiêu được Công ty TNHH Slow Việt Nam đặt ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về tình hình triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào sáng nay 17/9. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc.
Đại diện Công ty TNHH Slow Việt Nam thông tin tiến độ triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị – Ảnh: Lê Trường
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH Slow Việt Nam (Slow Việt Nam) cho biết, tháng 8/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt Dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” do tổ chức World Wide Fund for Nature-Việt Nam tài trợ (gọi tắt là Dự án PFFP) và quyết định phê duyệt Kế hoạch hoạt động tổng thể của Dự án PFFP, trong đó, Slow Việt Nam là đối tác thương mại tham gia thực hiện Dự án “Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị”.
Trong khuôn khổ dự án PFFP, mục tiêu từ năm 2023 – 2027, với vai trò là đối tác thương mại của dự án, Slow Việt Nam cam kết triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân ra thị trường quốc tế mỗi năm; chuyển đổi 2.500 ha cà phê canh tác độc canh sang mô hình canh tác nông lâm kết hợp với 2.000 hộ dân tham gia; tăng thu nhập của nông hộ trồng cà phê lên 40%; 18.000 ha rừng tự nhiên trong hành lang đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ hiệu quả.
Hiện, tổng diện tích trồng cà phê của Quảng Trị là 3.706,9 ha. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh là 3.434 ha, sản lượng bình quân 35.000 tấn quả tươi, tập trung phần lớn ở huyện Hướng Hóa. Sản phẩm cà phê chè huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất chế biến cà phê đã lựa chọn hướng phát triển dòng cà phê sạch, chất lượng cao, với 250 ha sản xuất theo mô hình cà phê nông lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Quảng Trị định hướng đến năm 2027, có khoảng 2.000 ha cà phê nông lâm kết hợp; 150 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và duy trì phát triển 60 ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. |
Trên cơ sở mục tiêu đó, Slow Việt Nam có kế hoạch triển khai qua hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, xây dựng nhà máy chế biến cà phê thóc sang cà phê nhân tại Khu Công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà trong năm 2024; giai đoạn 2, năm 2025 xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại huyện Hướng Hóa.
Về tiến độ, đại diện Slow Việt Nam thông tin, 2 tháng cuối năm 2023, công ty đã liên kết với 2 HTX, 1 đơn vị chế biến và 150 hộ thành viên ở Hướng Hóa thu mua 106 tấn cà phê thóc Arabica. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thành lập các nhóm nông dân đăng ký mô hình nông lâm kết hợp và cung ứng cà phê quả tươi; thực hiện các thủ tục chuyển nhượng tài sản và xin thuê đất triển khai xây dựng Nhà máy chế biến tại KCN Nam Đông Hà…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và Slow Việt Nam đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Trong đó, số nông dân đăng ký cung ứng và khối lượng cà phê quả tươi cho Slow Việt Nam rất ít, chiếm 20% so với mục tiêu trong niên vụ 2024; Slow Việt Nam chưa xác định được địa điểm để xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quả tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa vào năm 2025.
Liên quan đến vấn đề người nước ngoài làm việc tại khu vực biên giới, do tính chất công việc, hiện tần suất các cán bộ người nước ngoài của Slow Việt Nam vào khu vực biên giới của tỉnh khá thường xuyên, tuy nhiên, thủ tục cấp phép còn mất nhiều thời gian; thủ tục đầu tư, xây dựng Nhà máy chế biến cà phê nhân Arabica tại KCN Nam Đông Hà hiện cần nhiều bước để hoàn thiện nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thu mua, chế biến trong niên vụ 2024 của nhà đầu tư…
Sản phẩm cà phê chè huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” – Ảnh: Lê Trường
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của Slow Việt Nam thời gian qua tại địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ chế, chính sách trong việc triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cà phê.
Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các dự án, đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục về thuê đất, cấp phép đầu tư nhằm sớm đưa Nhà máy chế biến cà phê nhân Arabica tại KCN Nam Đông Hà đi vào hoạt động trong năm 2024; Sở Tài Nguyên – Môi trường phối hợp các sở, ngành và địa phương hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa hoàn thiện các thủ tục về giấy phép môi trường, quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo đủ điều kiện tham gia liên kết cung ứng sản phẩm cà phê cho Slow Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao những cơ chế, chính sách mà Slow Việt Nam áp dụng tại Quảng Trị liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cà phê – Ảnh: Lê Trường
Giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp địa phương và nhà đầu tư rà soát nhu cầu của các HTX, doanh nghiệp, hộ cá nhân trồng cà phê để hướng dẫn, hoàn thiện các hồ sơ thẩm định, phê duyệt kế hoạch liên kết đảm bảo đúng quy định.
Huyện Hướng Hóa khẩn trương rà soát lại quy hoạch, tìm vị trí đảm bảo đủ tiêu chuẩn tạo điều kiện để Slow Việt Nam triển khai các thủ tục đầu tư Nhà máy chế biến cà phê quả tươi.
Liên quan đến hoạt động của người nước ngoài tại khu vực biên giới, giao Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp địa phương và Slow Việt Nam để hướng dẫn các thủ tục cấp phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của công ty làm việc trên địa bàn.
Lê Trường
Nguồn: https://baoquangtri.vn/cong-ty-tnhh-slow-viet-nam-moi-nam-se-xuat-khau-1-000-tan-ca-phe-nhan-ra-thi-truong-quoc-te-188388.htm