Thời gian qua, công tác cấp phép, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này hiện vẫn gặp không ít khó khăn, việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh minh họa – Ảnh: ST
Toàn tỉnh hiện có 71 diện tích thuộc 50 điểm mỏ cát, sỏi với tổng trữ lượng, tài nguyên 17,93 triệu m3; 22 diện tích thuộc 19 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng, tài nguyên 332,49 triệu m3. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 24 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đang còn hiệu lực do UBND tỉnh cấp.
Cụ thể, có 12 giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông, trong đó 11 điểm mỏ đang hoạt động với tổng diện tích 100,3 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 2.199.664 m3, công suất khai thác 228.000 m3/năm; 1 điểm mỏ chưa hoạt động do chưa hoàn thành bãi tập kết.
Có 12 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó 7 điểm mỏ đang hoạt động với tổng diện tích 63,68 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 7.459.792 m3, công suất khai thác 749.520 m3/năm; 5 điểm mỏ chưa đi vào hoạt động với tổng diện tích 63,64 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 14.002.938 m3, công suất khai thác 635.000 m3/năm do chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất để khai thác khoáng sản.
Trong quá trình khai thác khoáng sản, các đơn vị đã chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, trong diện tích được thuê đất, quan tâm đến công tác hoàn trả mặt bằng và trồng cây trên diện tích đã khai thác.
Thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường, kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản. Trong năm 2023, các đơn vị hoạt động khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 107 tỉ đồng, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gần 3 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2023, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ/95 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phạt tiền hơn 1,3 tỉ đồng, khởi tố 1 vụ án hình sự “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại khoản 1, Điều 227 Bộ Luật Hình sự.
Một trong những khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản (đá, cát, sỏi) làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh hiện nay là các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-UBND ngày 19/6/2015, đến nay chưa được bổ sung, điều chỉnh phù hợp tình hình phát triển KT- XH địa phương. Bản đồ chi tiết quy hoạch, thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh chưa được lập gây khó khăn trong công tác theo dõi, đánh giá, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi trái phép chủ yếu do một số hộ dân ven sông khai thác vào ban đêm, trong khi đó, lực lượng kiểm tra mỏng, kinh phí hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, đẩy đuổi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, đến nay việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện các vi phạm và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động Nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không tiếp tay, tham gia khai thác khoáng sản trái phép.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chua-lap-nbsp-ban-nbsp-do-nbsp-chi-tiet-quy-hoach-tham-do-khai-thac-khoang-san-nbsp-gay-nbsp-kho-nbsp-khan-cho-cong-tac-quan-ly-188142.htm