Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, cùng với các thị trường khác, thị trường lao động Quảng Trị đang ngày càng diễn ra sôi động, trong đó nhu cầu lao động có tay nghề cao để đáp ứng tình hình mới đã được dự báo tăng lên nên đòi hỏi cần chú trọng hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Công nhân có tay nghề cao của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), bình quân hằng năm người lao động của tỉnh Quảng Trị tìm được việc làm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.500 – 7.000 người; tìm được việc làm tại các tỉnh khoảng 3.000 – 4.000 người; tìm được việc làm ở thị trường nước ngoài khoảng 1.000 -1.500 người. Trong lúc đó, hằng năm nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tỉnh Quảng Trị là khoảng 17.000 lao động. Như vậy có khoảng 5.000 lao động vẫn chưa tìm được việc làm.
Vấn đề giải quyết việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Phân tích thị trường cho thấy, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Đến thời điểm cuối tháng 7/2024, toàn tỉnh có hơn 3.000 DN, thu nhập bình quân của người lao động trong các DN đạt 5.700.000 đồng/tháng. 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Trị thu hút 21 dự án với tổng vốn đăng ký 4.561 tỉ đồng. Ngoài số dự án đã triển khai thì các dự án khác cũng chưa có quy mô lớn để thu hút nhiều việc làm cho người lao động (NLĐ) .
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết, thị trường lao động trong nước nói chung, của tỉnh nói riêng chịu tác động từ nhiều điều kiện khách quan của tình hình thế giới. Một số ngành nghề tỉnh có năng lực như chế biến, xuất khẩu gỗ, may xuất khẩu thì thị trường thế giới đang gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến sản xuất, kéo theo NLĐ mất việc làm nhiều, số lượng người đăng ký thất nghiệp cũng khá cao.
Việc khôi phục, phát triển, mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN nhỏ và siêu nhỏ ở trong tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, chưa có dấu hiệu khởi sắc, dẫn đến các DN sử dụng lao động không nhiều và không bền vững, DN có dưới 50 lao động chiếm đa số. Một thực tế nữa là các doanh nghiệp của tỉnh chưa tạo nhiều việc làm bền vững đáp ứng nguyện vọng của NLĐ có tay nghề cao.
Sức sản xuất của nền kinh tế tỉnh vẫn còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, lực lượng lao động có trình độ cao, đặc biệt là nguồn lao động đang được đào tạo chuyên sâu ở ngoài tỉnh ít trở về địa phương làm việc do chưa đủ sức hấp dẫn. Thực tế này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của thị trường lao động được dự báo cần tay nghề cao, chuyên nghiệp trong môi trường hội nhập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đặt ra chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2025 là 12.000 lao động; giai đoạn 2025- 2030 trên 12.500 lao động, đặc biệt chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao, từng bước nâng tầm chất lượng của thị trường lao động trong tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển. Những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển KT-XH, QP-AN, vấn đề lao động – việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm.
Thị trường lao động ở tỉnh trong thời gian tới được dự báo sẽ có sự tăng lên về số lượng, chất lượng lao động để phục vụ các DN với các dự án sản xuất năng lượng, chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may. Đặc biệt là các dự án trọng điểm tại các khu kinh tế của tỉnh nếu được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhiều lao động, trong đó nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao sẽ tăng nhanh.
Đây chính là cơ hội và thách thức đặt ra cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc hợp tác với các DN tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho NLĐ có tay nghề, cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các DN.
Đứng trước tình hình mới, việc phát triển thị trường lao động, trong đó lao động chất lượng cao là cần thiết, giúp NLĐ tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, ổn định đời sống, cũng như giúp DN sử dụng lao động phù hợp từng vị trí, công việc nhằm tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường, góp phần phát triển KT-XH.
Do đó các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động tại các DN, nhất là nhóm lao động chưa có bằng cấp thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN vừa và nhỏ theo Nghị định số 80/2021/NQCP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, cần khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các dự án trọng điểm; đôn đốc, hỗ trợ các dự án đầu tư của các DN để sớm đưa vào hoạt động, khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm bền vững cho NLĐ. Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển KT-XH, tạo thêm việc làm trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn chính sách về giải quyết việc làm và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt, để nâng cao chất lượng nguồn lực lao động tại Quảng Trị cần thêm các giải pháp lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những kế hoạch, chương trình, chính sách cụ thể, đồng bộ với những giải pháp có tính chiến lược trong công tác này. Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển các loại hình DN trên địa bàn để giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ; từng bước có chính sách thu hút con em trong tỉnh có tay nghề cao đang lao động ở các tỉnh, thành phố trong nước về quê hương làm việc.
Khánh Hưng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-cho-doanh-nghiep-188842.htm