Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN). Nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng đã có mặt tại các hệ thống phân phối trong và ngoài nước mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nâng cao đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS và MN. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị HÀ SỸ ĐỒNG xung quanh vấn đề này.
– Thưa đồng chí, những năm qua, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và MN đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và MN. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ như thế nào?
– Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong hoạch định phát triển KT-XH của đất nước. Trên tinh thần tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS về phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nước sinh hoạt, định canh, định cư bền vững, ổn định cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu và định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS; chương trình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển KT-XH vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS…
Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 được xem là nền tảng, cơ sở để khai thông các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đi vào hiệu quả, thực chất đối với đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS nói riêng, đồng bào DTTS và MN tỉnh Quảng Trị nói chung, góp phần thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển KT-XH, thực hiện giảm nghèo đa chiều một cách bền vững.
Sản phẩm cà phê Khe Sanh trưng bày tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Densavanh -Ảnh: N.K
Đặc biệt năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 1719). Đây là chương trình lớn, trong đó 10 dự án, nội dung thuộc nhiều lĩnh vực và do các ngành khác nhau chủ trì, tổ chức thực hiện đã tích hợp những chính sách trung ương dành cho vùng đồng bào DTTS và MN trong giai đoạn trước và bổ sung thêm các chính sách mới.
Triển khai thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện từ năm 2022-2024 là 980,2 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 545,2 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 55,6%, trong đó, tiểu dự án 2 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN, nguồn vốn được phân bổ là hơn 147, 6 tỉ đồng với 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và MN.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển các sản phẩm tiềm năng, lợi thế, đặc trưng theo chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh.
Cà phê là sản phẩm nông sản đặc trưng ở vùng đồng bào DTTS và MN Quảng Trị -Ảnh: T.T
Nhờ đó, tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo lợi thế của từng tiểu vùng; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông nghiệp có bước phát triển đa dạng có các vùng chuyên canh cà phê, cao su, chuối, hồ tiêu, sắn nguyên liệu tập trung…đã thúc đẩy phát triển sản xuất cho hộ gia đình, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
– Thưa đồng chí, xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS và MN có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, cải thiện đời sống người dân. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung nguồn lực thực hiện công tác này như thế nào?
– Như chúng ta đã biết, thương hiệu cho mỗi sản phẩm là một yếu tố vô cùng quan trọng vì đây chính là “giá trị gia tăng vô hình” được tạo ra từ sự kết tinh của quá trình sản xuất, văn hóa vùng miền gắn với chất lượng sản phẩm. Với tiềm năng khu vực đồng bào DTTS và MN của tỉnh có rất nhiều sản vật địa phương phong phú, đa dạng và có chất lượng, tuy nhiên việc tiêu thụ các sản phẩm này gặp một số khó khăn nhất định về quy định tiêu chuẩn hàng hóa.
Xác định điểm nghẽn đó, giai đoạn 2021-2024, UBND tỉnh đã bố trí hơn 2,2 tỉ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 1719 và lồng ghép các nguồn lực khác để tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu và kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào DTTS và MN, trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hệ thống phân phối như hỗ trợ tư vấn thiết kế, in ấn mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn của huyện Đakrông như: trà thảo dược, trà đậu đen xanh lòng lá dứa, trà đậu đen xanh lòng hoa nhài, rượu men lá Ba Nang, rượu chuối rừng, dưa hấu Mò Ó, chuối lùn Tà Rụt, sản phẩm mật ong ruồi nội địa Trà Phan.
Huyện Hướng Hóa hoàn thiện 5 sản phẩm từ cà phê đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh là sản phẩm “Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica”, “Khe Sanh Coffee dạng hạt rang” của HTX Nông sản Khe Sanh, “Nắng-cà phê rang xay dạng bột” của Công ty TNHH Pun Coffee, “Ta Lư Coffee dạng bột” và “Ta Lư Coffee dạng hạt” của Công ty TNHH Cà phê Ta Lư Khe Sanh. Sản phẩm “Cà phê Khe Sanh” của huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Nhờ vậy, không ít sản phẩm đã trở thành thế mạnh của của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển KT-XH, quảng bá được truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở các địa phương.
Gian trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Hướng Hóa -Ảnh: T.N
– Để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS và MN, thời gian tới tỉnh Quảng Trị có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
– Trước hết là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, quan điểm, định hướng, nội dung của Chương trình 1719 và các đề án, kế hoạch về phát triển hạ tầng thương mại vùng đồng bào DTTS và MN nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân, đảm bảo sự phối hợp thống nhất của tất cả các cấp, các ngành, đơn vị liên quan và người dân trong quá trình thực hiện.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản thuộc vùng đồng bào DTTS và MN vào kênh phân phối tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Kết nối giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tìm được đối tác tiêu thụ, mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thuộc vùng đồng bào DTTS và MN xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và MN và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương.
Gian hàng trợ giá, trợ cước cho đồng bào dân tộc thiểu số -Ảnh: T.N
Phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh, tập trung hình thành các vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sử dụng lao động tại chỗ.
Chú trọng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (cấp tỉnh, cấp huyện và đặc sản địa phương) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lĩnh vực và vùng phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
– Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Trúc (thực hiện)
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chu-trong-ho-tro-xay-dung-san-pham-dac-trung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-quang-tri-190274.htm