Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2024 có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng xuất hiện sớm, có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với các năm; lượng mưa thiếu hụt từ 10% – 30% so với TBNN. Trên các sông, dòng chảy cũng bị thiếu hụt nước so với TBNN cùng kỳ. Hạn hán có nguy cơ cao xảy ra ngay từ đầu năm 2024 và kéo dài qua năm 2025.
Trước dự báo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống hạn hán ngay từ đầu vụ đông xuân, trong đó, ngành chú trọng chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành thực hiện tốt việc triển khai các biện pháp tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước tưới, đảm bảo đủ lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả 2 vụ trong năm.
Chăm sóc lúa vụ đông xuân -Ảnh: T.C.L
Năm 2024, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi được giao kế hoạch, nhiệm vụ khai thác, quản lý và cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tổng diện tích gần 54.000 ha. Trong đó, phục vụ tưới cho lúa 49.180,6 ha; hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày 2.403,55 ha; cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu 470,39 ha; cung cấp nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản gần 1.946 ha. Ngoài ra, các trạm thủy lợi cũng phải cung cấp một lượng nước phục vụ cho chăn nuôi.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Chi cục Thủy lợi chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT các giải pháp đồng bộ công trình và phi công trình; đồng thời, kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp tưới tiêu khoa học nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng trưởng của ngành năm 2024. Hiện dung tích tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đạt mức TBNN.
Tuy nhiên, trước khả năng xảy ra hạn hán nặng, các đơn vị thuộc lĩnh vực thủy lợi chủ động điều tiết lượng nước trong quá trình cung cấp cho đồng ruộng phù hợp với từng vùng đồng, từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai các giải pháp phòng, chống hạn ngày từ đầu vụ đông xuân 2024 như: tuyên truyền, phổ biến sử dụng nguồn nước tiết kiệm, áp dụng các giải pháp tưới khoa học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Biện pháp tưới khoa học cho cây lúa nhằm tiết kiệm nước hiệu quả nhất hiện nay là kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế. Đối với cây lúa, không phải lúc nào cũng cần ngập nước mà có những giai đoạn sinh trưởng của cây, chỉ cần cho nước vào ruộng tối đa 3 cm là được hoặc tháo cạn nước thúc đẩy sự phát triển của bộ rễ.
Qua thực tế triển khai phương pháp tưới này tại các vùng trồng lúa trong tỉnh thì tiết kiệm được một nửa số lần bơm tưới. Thực hiện phương pháp tưới này, nông dân đặt ống nhựa có đục lỗ lên hàng, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi mực nước trên ruộng, phần ống trên ruộng 30 cm, phần ống 20 cm chôn trong đất.
Lượng nước tưới phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng của cây lúa. Sau gieo sạ 7 ngày, cần giữ nước trong ruộng từ ướt bề mặt ruộng cho đến mực nước cao hơn mặt ruộng khoảng 1 cm. Sau đó, tiếp tục giữ mực nước trong ruộng từ 1 – 3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa cho đến lúc bón phân lần 2. Đây là giai đoạn lúa rất cần nước để phát triển nên không để khô mặt ruộng. Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này cũng hạn chế các loài cỏ dại mọc. Tưới một đợt với lượng nước từ 200 – 300 m3 /ha.
Khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ (giai đoạn lúa khoảng từ 25 – 40 ngày sau gieo sạ) nên chỉ cần lượng nước vừa đủ. Lúc này cần tháo cạn nước lộ mặt ruộng trong thời gian từ 5 – 7 ngày để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu. Giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt ruộng đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm.
Đến khi nước xuống mức thấp hơn mặt ruộng 15 cm thì cho nước vào ruộng ngập tối đa 5 cm so với mặt ruộng. Thời gian này, liên tục thực hiện tưới ướt – khô xen kẽ (tức là nước trong ruộng hạ từ từ xuống vạch 15 cm thấp hơn mặt ruộng thì lại cho nước vào đến ngập tối đa 5 cm). Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán nên cỏ dại không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa.
Giai đoạn cây lúa dễ bị các loại sâu bệnh tấn công, nên giữ mực nước thấp trong ruộng, có lúc để khô ruộng làm cho các mầm bệnh không phát tán được sẽ ít lây lan hơn. Giai đoạn này tưới một đợt với lượng nước từ 500 – 700 m3 /ha.
Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, mực nước xuống dưới mặt ruộng (nhưng không thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngã, vừa dễ thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch so với tưới ngập nước liên tục.
Giai đoạn bón phân thúc đòng cho lúa (lúa từ 40 – 60 ngày sau gieo) cần bơm nước vào ruộng cao từ 1 – 3 cm trước khi bón phân nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và bốc hơi phân bón. Giai đoạn lúa 60 – 70 ngày là giai đoạn lúa trổ nên cần giữ nước trong ruộng cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép lửng.
Giai đoạn này tưới một đợt với lượng nước 700 m3 /ha. Giai đoạn lúa ngậm sữa, vào chắc và chín (lúa từ sau 70 ngày trở đi) chỉ giữ mực nước từ bằng mặt ruộng đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm. Giai đoạn này tưới 1 – 2 đợt (mỗi đợt tưới cách nhau 10 – 15 ngày) với lượng nước từ 600 – 700 m3 /ha. Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày thì tháo cạn nước để ruộng khô ráo dần cho đến ngày thu hoạch thì ráo kiệt nước nhằm dễ thu hoạch bằng máy.
Áp dụng biện pháp tưới khoa học vừa tiết kiệm được lượng nước tưới, vừa nâng cao năng suất cây trồng. Nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật tưới này để áp dụng đạt hiệu quả sản xuất cao.
Trần Cát Linh