Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt trên địa bàn tỉnh đã giảm thấp xuống còn 16 – 18 độ C, vùng núi có nơi xuống dưới 14 độ C. Để chủ động phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm (GSGC), ngành nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Người dân che chắn chuồng trại để giữ ấm cho đàn bò -Ảnh: L.A
Huyện Hướng Hóa có tổng đàn gia súc hơn 69.000 con và hơn 177.500 con gia cầm. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động các biện pháp giữ ấm cho đàn GSGC như hạn chế thả rông trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, che chắn chuồng trại. Nguồn thức ăn cũng được bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nhiều gia đình đã chủ động tích trữ rơm, cỏ khô, ngô sinh khối cho gia súc.
Anh Hồ Văn Vinh ở tại Khu phố 6, thị trấn Khe Sanh cho biết, gia đình anh nuôi 3 con bò sinh sản. Để bảo vệ sức khỏe cho đàn bò, mấy ngày gần đây khi thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại, anh đã chủ động che chắn bằng vải bạt để tránh gió lùa. Không thả gia súc sớm khi nhiệt độ đang còn thấp, nhiều sương mù. Đồng thời, thường xuyên cắt cỏ tươi, bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo để tăng cường sức khỏe cho đàn bò.
“Nếu thời tiết tiếp tục chuyển xấu, nhiệt độ giảm sâu hơn nữa, tôi sẽ đốt củi để sưởi cho đàn bò, cho ăn thêm cháo nóng để giữ ấm, tăng cường sức khỏe”, anh Vinh cho biết thêm.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Lê Hữu Tuấn, hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi đã có kinh nghiệm và chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp, kéo dài như chủ động sửa sang, che chắn chuồng trại; tăng cường chất độn chuồng, giữ nền chuồng khô ráo.
Chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ như rơm, cỏ khô, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn trâu, bò. Bổ sung thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho GSGC. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi không được thả rông trâu, bò để phòng, chống đói rét và kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Có giải pháp giữ ấm cho vật nuôi như sưởi ấm vào ban đêm và những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch như định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Huyện Hải Lăng có tổng đàn vật nuôi khá lớn với hơn 39.600 con gia súc và hơn 587.400 con gia cầm. Thời điểm này, các địa phương và hộ chăn nuôi cũng đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát sát tổng đàn; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo quy định.
Thông tin tình hình thời tiết và hướng dẫn hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói rét như: gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm; tăng cường sưởi ấm cho đàn vật nuôi; làm chuồng úm cho lợn con theo mẹ… trong những ngày rét đậm, rét hại.
Dự trữ rơm, cỏ khô, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Cho lợn, gia cầm ăn đúng khẩu phần, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng đối với từng loại vật nuôi; cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm vitamin tổng hợp, đường Glucose, men tiêu hóa để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi…
Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An lưu ý, dự báo trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có khả năng xảy ra nhiều đợt mưa rét kéo dài, nhiệt độ có thể giảm xuống rất thấp làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi.
Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất lợi xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại, các địa phương cần triển khai ngay các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói rét.
Thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để hộ chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Có phương án hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho GSGC theo kế hoạch của địa phương đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn. Tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan, bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Về phía hộ chăn nuôi cần gia cố chuồng trại đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Giữ nền chuồng luôn khô ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô.
Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng; hạn chế rửa chuồng đối với lợn để tăng khả năng chống rét. Sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi…
Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại.
Chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh, cũng như thức ăn tinh đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong mùa mưa rét. Cho uống nước ấm, bổ sung thêm muối khoáng, vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; hằng ngày cần theo dõi tình trạng sức khỏe của GSGC để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói rét hoặc dịch bệnh.
Lê An