Mỗi lần tháng Bảy về, tôi lại rưng rưng với những vần thơ tháng Bảy – những vần thơ day dứt như một lời nhắc mình về những ân tình sâu nặng. Tôi biết và yêu “Cái roi ngày ấy” của tác giả Đinh Phạm Thái viết về đề tài “Ghi ơn các thương binh liệt sĩ”. Ngày nào con nghịch, con chơi/ Bỏ nhà đi hết một hơi tối ngày/ Làn roi rơi xuống thân gầy/ Làm đau tay mẹ làm cay mắt bà/ Bây giờ con ở đâu xa/ Nắm xương không cửa không nhà mãi đi/ Trường Sơn một dải xanh rì/ Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con./ Chân run, quờ chiếc gậy mòn/ Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây…
Minh họa: NGỌC DUY
Bài thơ không có tiếng khóc, vì dường như “nước mắt đã lặn vào trong” nhưng không hiểu sao mỗi lần đọc lại, nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi. Có lẽ, dòng cảm xúc của người mẹ có con trai hy sinh trong cuộc chiến đã chạm đến một miền thẳm sâu trong trái tim tim tôi. Tôi thấy hình ảnh bác tôi, bà nội tôi trong đó.
Bác tôi nằm lại với Quảng Trị khi vừa mới ngoài hai mươi tuổi. Mấy chục năm ròng rã, gia đình tôi tìm kiếm khắp trên các nghĩa trang của vùng quê nắng gió này nhưng mãi mà chẳng có một thông tin gì. Bà nội tôi không đợi được nên đành phải ra đi mang theo một nỗi nhớ thương, day dứt. Thương nội tôi tóc bạc theo năm tháng, đến phút cuối vẫn khắc khoải vì người con trai chưa biết nằm ở nơi đâu; thương bác tôi gửi trọn tuổi xuân cho đất nước nhưng chưa một lần được người thân ghé thăm, ba tôi tiếp tục lặng lẽ kiếm tìm.
Rồi vào một chiều giáp Tết cách đây khoảng chừng gần mười lăm năm, tôi nhận được cuộc gọi của ba. Giọng ba rưng rưng nhưng lại pha chút vui mừng: “Con ơi, có người bạn của ba nói rằng họ đọc được thông tin trên báo Quân đội nhân dân là có tên bác con trong số những ngôi mộ chưa biết tên ở lô thứ 2 bên góc phải của Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh. Số mộ này hình như mới được quy tập về đây. Ở khu vực này chỉ duy nhất có một ngôi có tên. Đó là mộ của liệt sĩ Lê Đình Dư (Hồ Thừa)- phóng viên báo Quân đội nhân dân. Hy sinh ngày 21-1-1968”. Tôi nghẹn ngào. Nước mắt cứ thế lặng lẽ rơi.
Rồi ba tôi cũng theo bác vào một chiều mưa cùng lời dặn: “Ba đi rồi, con đang ở Quảng Trị, nhớ đến với bác cho bác ấm lòng!”. Mắt tôi giàn giụa nước. Lòng quặn thắt trong nỗi buồn chia ly. Từ đó, mỗi tháng Bảy về tôi lại lỉnh kỉnh lễ vật cùng bó hoa cúc trắng một mình trên nghĩa trang. Tôi lại vừa thắp nén tâm nhang lên từng hàng mộ chí vừa nhẩm đọc từng dòng thơ đượm buồn.
Tuổi già thường nặng ưu tư, người già thường vịn vào những kỷ niệm buồn vui của cuộc sống để nhìn ngày tháng trôi qua. Dòng hồi ức của người mẹ chất chứa một nỗi buồn. Và có lẽ nỗi day dứt lớn nhất của mẹ là những “ làn roi”. Nhà thơ đã thật tinh tế khi dùng chữ “rơi” thay cho những động từ quen thuộc khác.
“Rơi” là nhã ngữ, giúp bớt đi phần nào nỗi chạnh lòng cho độc giả. “Con ở đâu xa.” “Đất gì chôn con” thực ra là những câu hỏi – những câu hỏi tu từ như những giọt nước mắt nhớ thương. Điều khác thường ở đây là không có dấu hỏi ở cuối câu.
Mẹ hỏi cõi lòng mình vậy. Thời gian dằng dặc, không gian vời vợi, mẹ biết tìm con nơi đâu. Tôi liên tưởng đến hình ảnh nội tôi với mái tóc bạc phơ mỗi chiều ngồi bên bậc cửa, nhìn xa xăm vào khoảng không mông lung, vô định, ngóng tin người con trai đi mãi không về…Nội tôi mang theo nỗi day dứt ấy về miền mây trắng vào một chiều đông…
Năm tháng đi qua, nay mẹ đã mắt mờ, chân yếu, nỗi day dứt còn mãi với thời gian. Mẹ cứ như đang trong cõi vô thức, cứ thấy mình “không phải” với con nhưng chẳng còn cơ hội cho mẹ nói lời an ủi. Nỗi niềm khắc khoải ấy cứ hiện hữu mỗi ngày.
“Cái roi” ngày trước nay cứ rõ mồn một trong tâm trí mẹ. Lửa chiến tranh đã tắt từ lâu, vết thương chiến tranh đã lành theo năm tháng nhưng trong thẳm sâu tâm hồn của những bà mẹ, những gia đình có người thân đi mãi không về vẫn còn đó một nỗi đau thời lửa đạn. Bao lần tháng Bảy về, bao lần đứng giữa những hàng bia mộ, tôi đã nhẩm đọc bài thơ. Chiều nay, lại một buổi chiều như thế. Cây ngô đồng vẫn mùa nối mùa xào xạc trong nắng gió.
Tiếng từ quy gọi bạn vẳng lại từ phía chân trời. Khói hương trầm nghi ngút trong ráng chiều chơi vơi. Từng hàng mộ chí vẫn im lìm xếp cạnh nhau như những hàng quân ngày ra trận. Tôi lại lặng lẽ cắm những nén nhang thơm lên từng ngôi mộ ở lô thứ 2, góc phải, nơi chỉ có duy nhất một ngôi mộ có tên.
Gio Linh mùa này đượm nồng nắng lửa. Những nén hương lòng vẫn mãi ngạt ngào trong khúc hát tri ân.
Thiên Lam
Nguồn: https://baoquangtri.vn/chieu-nghia-trang-duom-nong-nang-lua-187390.htm