Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị trực thuộc sở đã triển khai lấy 1.357 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để giám sát dư lượng các chất độc hại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến trên toàn tỉnh.
Cụ thể, sản phẩm có nguồn gốc thực vật tươi sống (rau, củ, quả, hạt…) 343 mẫu; sản phẩm có nguồn gốc thực vật đã qua chế biến 65 mẫu; sản phẩm có nguồn gốc động vật 439 mẫu; sản phẩm thủy sản nuôi 42 mẫu; sản phẩm thủy sản khai thác 195 mẫu; sản phẩm thủy sản qua chế biến 143 mẫu, đồng thời lấy 130 mẫu nước tiểu lợn, bò kiểm tra chất tạo nạc Salbutamol.
Kết quả, chỉ có 4/1.357 mẫu vi phạm, chiếm tỉ lệ 0,29%, gồm: 2 mẫu xúc xích phân tích Nitrite vượt ngưỡng giới hạn cho phép quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế, 1 mẫu chả phát hiện nhiễm vi sinh vật Salmonella và 1 mẫu chả vô chủ dương tính với hàn the qua kiểm tra nhanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, thông qua công tác lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng cao, không để xảy ra vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc sở bố trí nguồn lực để lấy mẫu nông, lâm, thuỷ sản trong tất cả các công đoạn từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến và lưu thông để giám sát về an toàn thực phẩm.
Tiến hành lồng ghép việc lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thẩm định đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, hoạt động hậu kiểm.
Hoạt động giám sát tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Qua đó, góp phần ổn định về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời điểm tết Nguyên đán.
Lê An