Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, để nông nghiệp phát triển cân bằng, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã trở thành hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Toàn bộ các sản phẩm của trang trại Dfarm đều được trồng trong nhà lưới, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết – Ảnh: L.A
Thực hiện dự án xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống chất lượng cao phục vụ vùng nguyên liệu, trong các năm 2022- 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 3 mô hình vườn ươm cải tiến ươm giống cây lâm nghiệp tại Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, vườn ươm cây giống Long Thành, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và vườn ươm cây giống tại xã Linh Trường, huyện Gio Linh với quy mô 1.000m2 /vườn. Trong đó, diện tích nhà ươm cây mô là 230 m2 , vườn luyện cây và các công trình phụ trợ khoảng 770 m2 .
Tham gia thực hiện mô hình, các HTX, vườn ươm được hỗ trợ khung nhà ươm cây giống; các hệ thống che điều tiết ánh sáng tự động; tưới phun sương, tưới phun mưa; luống giâm hom; bể chứa chìm, trạm bơm cải tiến; các hệ thống đường cấp nước, cấp điện và 10 vạn cây mầm keo lai nuôi cấy mô cùng các vật tư thiết yếu.
Chủ vườn ươm Long Thành Võ Long Thành cho biết, với công nghệ của vườn ươm cải tiến, các hệ thống che sáng phía trên được điều khiển tự động và bán tự động; hệ thống vòm che mưa, gió, giữ ẩm, tưới phun sương, phun mưa tự động tạo được điều kiện phù hợp cho ươm cây giống. Đây là điều kiện để giống cây lâm nghiệp được phát triển trong môi trường tốt nhất, đạt chất lượng cao trước khi xuất bán cho người trồng rừng.
Qua theo dõi, tỉ lệ mầm keo lai nuôi cấy mô ươm thành công đạt gần 100%. Bình quân mỗi lứa ươm khoảng 3 tháng sẽ cho ra khoảng 10 vạn cây giống, đáp ứng cho trồng khoảng 50 ha rừng. Nếu sản xuất theo hình thức “cuốn chiếu”, tối đa một năm vườn ươm sản xuất được khoảng 80-100 vạn cây giống. Đặc biệt, so với cây giống giâm hom, cây giống nuôi cấy mô phát triển nhanh hơn khoảng 20%, có bộ rễ cọc chống chịu tốt hơn với gió bão, thuận lợi cho mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Mô hình vườn ươm cải tiến ươm giống cây lâm nghiệp được xây dựng tại Vườn ươm Long Thành, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh – Ảnh: L.A
Còn tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, trong khi nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao vẫn ăn nên làm ra. Điển hình như bà Cao Thị Thúy ở tại thôn Quảng Xá với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn. Với diện tích 1 ha, bà Thúy được hướng dẫn chỉ sử dụng 0,3 ha để làm ao ương và ao nuôi.
Diện tích còn lại làm ao chứa và xử lý nước. Sau gần 4 tháng nuôi thu về hơn 12 tấn tôm thương phẩm, tương đương năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng. Theo bà Thúy, với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm giống được thả nuôi trong ao ương với mật độ 500 con/m2 . Sau 1,5 tháng, tôm đạt kích cỡ từ 150-170 con/kg thì chuyển sang ao nuôi với mật độ từ 150-160 con/ m2 . Sau 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ từ 35-40 con/kg thì có thể thu tỉa thưa để giảm mật độ và nuôi thêm gần 1 tháng, đạt kích cỡ 25-26 con/kg thì thu hoạch toàn bộ.
Bà Thúy cho biết, ưu điểm của nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình 2 giai đoạn đó là, giai đoạn 1 lúc mới thả nuôi, đây là giai đoạn tôm nuôi hết sức nhạy cảm với các yếu tố môi trường, dịch bệnh thì tôm được nuôi trong ao ương có diện tích nhỏ, có mái che giúp các yếu tố môi trường ổn định, tôm phát triển tốt, tỉ lệ sống cao. Ao ương có diện tích nhỏ nên chi phí hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm vi sinh, khoáng, bơm nước thấp hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.
Khi sang giai đoạn 2 thì xác định được chính xác khối lượng tôm nuôi để định lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, giảm lượng chất thải xả ra môi trường. “Đặc biệt, ao chứa có diện tích lớn nên nguồn nước cấp vào ao ương và ao nuôi được xử lý kỹ, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh. Nuôi theo phương thức tuần hoàn nước nên kích cỡ tôm thu hoạch lớn, năng suất cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống”, bà Thúy cho biết thêm.
Vùng nuôi tôm tập trung tại HTX Quảng Xá có tổng diện tích trên 23 ha, trong đó có khoảng 10 ha áp dụng nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2, 3 giai đoạn. Theo đánh giá của các hộ nuôi tôm, bình quân đầu tư một ao nổi có mái che diện tích từ 800-1.000 m2 chi phí từ 300-400 triệu đồng tùy vật liệu sử dụng. Đây đang là lựa chọn phù hợp, giúp khắc phục được các yếu tố bất lợi về thời tiết, môi trường nước, giúp điều hòa được nhiệt độ, đặc biệt là vào mùa hè, những lúc thời tiết chuyển mùa, oi bức.
Bên cạnh đó, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao còn có hệ thống ao chứa với diện tích lớn, chiếm khoảng 70% diện tích khu nuôi tôm nên nguồn nước cung cấp được xử lý tốt, đảm bảo an toàn, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tổ trưởng Tổ nuôi tôm HTX Quảng Xá Hoàng Đức Huấn cho biết, thực tế tại vụ nuôi tôm vừa qua, trong khi các hộ nuôi truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh thì các hộ nuôi tôm công nghệ cao đều có lãi. Phần lớn sản lượng thu hoạch toàn xã năm 2024 khoảng 65 tấn đến từ diện tích nuôi tôm công nghệ cao này.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, thời gian qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, đây là một dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng khắc nghiệt.
Tại Quảng Trị, ngoài bão lũ, còn phải đối mặt với các đợt nắng nóng cực đoan với nền nhiệt độ cao hơn 40o C, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và rộng hơn là ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Đứng trước nguy cơ và thách thức đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành công việc và triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn.
Qua đó biến điều kiện bất lợi thành lợi thế cạnh tranh và phát triển. Tăng cường đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), thiết bị bay không người lái (Drone), điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ sinh học… Từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã trở thành hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành theo hướng hiện đại và bền vững như gạo hữu cơ, cà phê, hồ tiêu, dược liệu…
Toàn tỉnh hiện có hơn 50 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả, an toàn, chất lượng cao với diện tích gần 5 ha. Hơn 11.000 ha cây trồng sử dụng, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất như tưới tiết kiệm, thiết bị bay không người lái, hệ thống cảm biến, giám sát sâu rầy thông minh…
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như trang trại DFAM tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh đã ứng dụng công nghệ Israel trong sản xuất các loại rau, quả trong nhà lưới; trang trại cam bưởi hữu cơ tại thôn Khe Mương, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học để bón cho cây; mô hình cánh đồng không dấu chân, ứng dụng máy móc tất cả các khâu từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi đã có 135 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng, hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối internet và điện thoại thông minh…
Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm không chỉ tăng về số lượng và chất lượng mà phương thức chăn nuôi ngày càng đi dần vào hướng tập trung, công nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Lĩnh vực thủy sản, đã có hơn 107 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các cơ sở nuôi tôm đã tăng cường sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân công như: máy cho ăn tự động, máy thổi Oxy, máy cảnh báo Oxy, máy cảnh báo nguồn điện, hệ thống camera giám sát khu vực ao nuôi.
Nhiều tàu cá của ngư dân được trang bị máy dò ngang để dò tìm các đàn cá trên biển, giảm bớt chi phí thời gian, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Định hướng phát triển của ngành nông nghiệp là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường.
Lê An
Nguồn: https://baoquangtri.vn/canh-tac-nong-nghiep-thong-minh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-189442.htm