Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến cuối tháng 3/2024, chi cục mới chỉ cấp 17 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. .
Hình ảnh minh họa – Ảnh: S.T
Mã số vùng trồng là căn cứ để cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan theo dõi, quản lý tình hình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mã số này còn đóng vai trò quan trọng giúp truy xuất nguồn gốc nông sản.
Hiện nay, thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký trực tuyến để được cấp mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt một cách nhanh gọn. Việc cấp mã số không phải tốn chi phí, chỉ cần tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại.
Nhận thấy những ưu điểm ấy, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai việc cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên phần mềm trực tuyến. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đáp ứng đầy đủ quy định đăng ký. Công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng đã cấp mã số được quan tâm.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ mới cấp được 17 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên cây lúa, lạc, đậu xanh, thanh long, chanh leo, cam, bưởi, an xoa, hồ tiêu với tổng diện tích hơn 150 ha.
Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của doanh nghiệp, người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; nhận thức về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại còn hạn chế; nhiều người thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, dẫn đến khó khăn trong việc kê khai cấp mã số…
Từ thực tế trên, việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tổ chức, cá nhân hoàn thành những thủ tục cần thiết, sớm đăng ký và được cấp mã số vùng trồng là hết sức cần thiết.
Tây Long