Trên địa bàn thành phố Đông Hà hiện có 3 cụm công nghiệp (CCN) nhưng chưa có CCN nào được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như quan trắc nước thải tự động, liên tục. Thực tế này gây ra nhiều hệ lụy và rất cần được các cấp, các ngành sớm quan tâm giải quyết.
Có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng Cụm công nghiệp Đông Lễ chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải – Ảnh: A.Q
Thông tin từ UBND thành phố Đông Hà cho biết, CCN Đông Lễ hoạt động từ năm 2010 đến nay, diện tích quy hoạch 10 ha, hiện có 19 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tỉ lệ lấp đầy 100%; CCN Phường 4 hoạt động từ năm 2015 đến nay, diện tích 1,85 ha, có 7 dự án sản xuất, tỉ lệ lấp đầy 100%; CCN 9D được đầu tư xây dựng từ năm 2010, diện tích quy hoạch 33,4 ha, diện tích sản xuất 21,26 ha, đến nay đã đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 trên diện tích 9,7 ha, hiện mới chỉ có 3 doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục đầu tư cơ sở sản xuất.
Cả 3 CCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải cũng như quan trắc nước thải tự động, liên tục và hiện do Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, Khuyến công và Dịch vụ công ích thành phố Đông Hà quản lý và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật.
Thực trạng tại 2 CCN Đông Lễ và Phường 4 cho thấy, nước thải phát sinh từ quá trình hoạt động của các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý, tạo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế, sinh hoạt của người dân; tại CCN 9D, việc chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, quan trắc nước thải tự động là một trong những nguyên nhân chính làm nản lòng các doanh nghiệp có ý tưởng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở đây…
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều chủ doanh nghiệp ở CCN Đông Lễ, Phường 4 cho hay, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đòi hỏi kinh phí đầu tư, vận hành lớn trong khi doanh nghiệp sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ nên việc doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư là rất khó khăn.
“Chúng tôi rất mong chính quyền sớm đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở đây để không chỉ đảm bảo tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng, tránh gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”, một chủ doanh nghiệp ở CCN Đông Lễ kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp, Khuyến công và Dịch vụ công ích thành phố Đông Hà Phan Xuân Hưng cho hay: 3 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải cũng như quan trắc nước thải tự động, liên tục nên việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào đây, nhất là CCN 9D không phù hợp với quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
“Nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố báo cáo hiện trạng và đề xuất UBND tỉnh, Sở Công thương nghiên cứu trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 39/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể là đề xuất tăng mức hỗ trợ đầu tư CCN, đồng thời bổ sung nội dung hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trạm quan trắc tự động tại các CCN đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, ông Phan Xuân Hưng thông tin thêm.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) quy định tất cả các CCN đều phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu CCN nào chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì trong thời gian 24 tháng phải đầu tư theo đúng quy định.
Như vậy, tại thành phố Đông Hà, dù đã quá hạn theo quy định nhưng cả 3 CCN trên địa bàn đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực tế này khiến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư mới các dự án tại 3 CCN này là rất khó khăn, không thể thực hiện.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực chính tăng thu ngân sách địa phương bền vững là chủ trương xuyên suốt của tỉnh Quảng Trị nói chung, thành phố Đông Hà nói riêng. Để thực hiện, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành. Tuy vậy, trên thực tế việc triển khai vẫn còn gặp không ít rào cản, khó khăn do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và xã hội hóa chưa theo kịp với yêu cầu.
Để các CCN trên địa bàn thành phố Đông Hà hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các cấp, các ngành cần quan tâm ưu tiên các nguồn lực đầu tư từ ngân sách.
Đồng thời có cơ chế, chính sách thiết thực để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trạm quan trắc tự động và hạ tầng thiết yếu khác tại các CCN Đông Lễ, Phường 4 và 9D. Có như vậy, lĩnh vực công nghiệp của đô thị trung tâm tỉnh lỵ mới có bước phát triển mới, tạo động lực để Đông Hà phát triển nhanh, bền vững.
Anh Quân