Theo giới chuyên gia, các lớp học thêm cần được tổ chức theo một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, không có sự kiểm soát.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng. (Ảnh: Nguyệt Anh) |
Việc dạy thêm, học thêm từ lâu đã nhận được dự quan tâm của dư luận. Không thể phủ nhận rằng, học thêm có thể giúp học sinh củng cố kiến thức, nâng cao điểm số và bồi dưỡng năng lực học tập.
Trong một hệ thống giáo dục mà chương trình học trên lớp bị cho là quá nặng nề và không đủ thời gian để giải đáp hết thắc mắc của học sinh, các lớp học thêm trở thành một giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Học sinh có thể học sâu hơn về các môn học mà mình yêu thích hoặc gặp khó khăn, đặc biệt là khi các em không thể hiểu hết bài giảng trong giờ học chính khóa.
Đối với giáo viên, dạy thêm cũng là một cách để phát triển nghề nghiệp. Nhiều thầy cô giáo xem hoạt động này như một cơ hội để tiếp xúc và truyền đạt kiến thức với học sinh một cách sâu sắc hơn.
Còn với phụ huynh, không ít người quan niệm, học thêm không chỉ là nhu cầu mà còn là một cách để đảm bảo con em mình có thể cạnh tranh với bạn bè trong kỳ thi tuyển sinh hoặc những cuộc thi quan trọng. Do vậy, các lớp học thêm trở thành một “bệ phóng” giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc học thêm quá nhiều cũng tạo ra áp lực lớn cho học sinh. Học tập dày đặc từ sáng đến tối không chỉ khiến các em mệt mỏi mà còn làm giảm chất lượng học tập. Học sinh không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển các kỹ năng sống, từ đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe và tinh thần. Không ít học sinh phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, lo âu, thậm chí là trầm cảm, vì không thể đáp ứng được kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ, thầy cô và chính bản thân mình.
Hơn nữa, việc học thêm quá mức có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập của học sinh. Khi chỉ tập trung vào việc “nhồi nhét” kiến thức, các em không còn thời gian để tìm tòi, sáng tạo hoặc học hỏi qua những trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ dẫn đến sự phụ thuộc vào giáo viên và chương trình học, thay vì khuyến khích các em tự chủ, tự khám phá trong quá trình học.
Điều quan trọng là, hoạt động này phải giúp học sinh phát triển toàn diện về tư duy, kỹ năng và phẩm chất cá nhân chứ không phải chỉ là một công cụ để cải thiện kết quả thi cử. Nhiều người cho rằng, chất lượng giáo dục không nên chỉ dựa vào việc có điểm cao hay không mà phải đảm bảo học sinh có thể vận dụng kiến thức vào thực tế, phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện.
Chính vì vậy, dạy thêm học thêm chỉ nên là một phần hỗ trợ, chứ không phải là yếu tố quyết định trong quá trình học tập. Đặc biệt, các lớp học thêm không thể thay thế cho sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy và chương trình học ở trường.
Dưới góc nhìn của mình, TS. Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, quy định về dạy thêm, học thêm là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Trên thực tế, hoạt động dạy thêm rất đa dạng và không phải lúc nào cũng vi phạm quy định.
Ở nhiều nơi, giáo viên tổ chức dạy thêm miễn phí cho những học sinh yếu hoặc vì lý do đặc biệt nào đó không tiếp thu được bài trên lớp. Những giáo viên này dành thời gian để giúp học sinh theo kịp chương trình, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, nơi điều kiện kinh tế hạn chế và sự quan tâm của gia đình còn thiếu. Đây là hoạt động rất đáng khen ngợi và cần được khuyến khích.
Cũng theo TS. Lê Đông Phương, ở những khu vực kinh tế phát triển hơn, dạy thêm thường nhằm nâng cao kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng thi cử, nhưng đôi khi lại mang nội dung bài giảng ở trường vào các buổi học thêm tại nhà. Điều này làm cho học sinh tham gia học thêm có lợi thế hơn trong các kỳ kiểm tra, tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Đừng để chuyện học thêm là áp lực đối với học sinh. (Nguồn: Internet) |
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) khẳng định, việc học thêm, dạy thêm chỉ trở nên méo mó và mất đi giá trị khi bị chi phối và lạm dụng, biến tướng. Ngành nghề nào cũng phải thỏa mãn quy luật “cung – cầu” mới tồn tại và phát triển, giáo dục không ngoại lệ. Khách quan mà nói, dù có những giáo viên không dạy ở trường nào nhưng vẫn có học sinh theo học. Điều đó chứng tỏ họ có năng lực sư phạm tốt.
Bà Minh nhấn mạnh, việc cấm dạy thêm khó khả thi. Thay vì cấm triệt để, Nhà nước nên tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh theo hướng học thật, chất lượng thật.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, học thêm là nhu cầu của học sinh, phụ huynh và gia đình. Đối với học sinh yếu thì kèm thêm, học sinh khá thì bồi dưỡng thêm để có kết quả tốt hơn. Bên cạnh khuyến khích người học tự học, tự nghiên cứu, cần nhà giáo định hướng, hướng dẫn là nhu cầu chính đáng.
Theo bà Hiền, cũng cần xem dạy thêm là một nghề có thu. Thực tế, có những lúc chúng ta cấm dạy thêm, học thêm nhưng việc này vẫn xảy ra. Việc cấm học thêm làm tình trạng này khó quản lý.
“Để đáp ứng nhu cầu của người học, theo tôi cần bổ sung quy định quản lý việc dạy thêm, học thêm vào dự thảo luật. Tôi đồng tình với quy định nhà giáo có quyền dạy thêm như là một sự chính danh cho hoạt động chính đáng này”, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Những quy định mới trong dự thảo dạy thêm, học thêm đang cố gắng đưa hoạt động này trở nên minh bạch và tập trung vào lợi ích của người học. Tuy nhiên, để dạy thêm, học thêm trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục hiện nay, cần xây dựng niềm tin cho phụ huynh. Niềm tin ấy phải dựa trên các quy định cụ thể, rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như tránh tiêu cực, biến tướng.
Để giải quyết những vấn đề liên quan dạy thêm, học thêm, cần có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn từ các cơ quan chức năng. Việc quy định thời gian, số lượng lớp học thêm, cũng như mức phí học thêm hợp lý là một giải pháp quan trọng. Các lớp học cần được tổ chức theo một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, không có sự kiểm soát.
Ngoài ra, cũng cần có sự thay đổi trong tư duy của giáo viên và phụ huynh về việc dạy thêm, học thêm. Thay vì chỉ chăm chăm vào việc học thêm để nâng cao điểm số, chúng ta cần tập trung vào việc phát triển toàn diện cho học sinh, khuyến khích các em tự học, tự khám phá và phát huy năng lực sáng tạo. Các trường học chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh có thể học hỏi và rèn luyện không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng mềm.
Dạy thêm, học thêm có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng nếu không được kiểm soát và tổ chức một cách hợp lý sẽ tạo ra những áp lực không đáng có cho học sinh, góp phần vào việc gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.
Chính vì vậy, để cải thiện vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng, đồng thời, phải có những cải cách giáo dục cơ bản để giảm bớt sự phụ thuộc vào việc học thêm, tạo ra một môi trường học tập thực sự hiệu quả và công bằng cho tất cả học sinh.
Nguồn