Sáng nay 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại phiên họp – Ảnh: ĐV
Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn NTM (chiếm 43,6%). Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) ước đạt khoảng 40.187,952 tỉ đồng, đạt tỉ lệ khoảng 61,5%.
Về nguồn vốn đầu tư công, giải ngân đạt khoảng 29.383,096 tỉ đồng, đạt 83% kế. Về nguồn vốn sự nghiệp trong năm 2023, giải ngân ước đạt 10.804,856 tỉ đồng, đạt 36,3% dự toán. Kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 3.292,990 tỉ đồng, đạt 15%.
Tại tỉnh Quảng Trị, kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho địa phương với tổng số vốn 1.535,141 tỉ đồng (CTMTQG Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 740,078 tỉ đồng; CTMTQG Xây dựng NTM 432,890 tỉ đồng; CTMTQG Giảm nghèo bền vững 362,173 tỉ đồng). Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022, 2023, 2024. Về kết quả thực hiện các CTMTQG năm 2023 của tỉnh, đối với phần vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2022 kéo dài thực hiện trong năm 2023 là 242,558 tỉ đồng. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, năm 2023 đã giải ngân 148,927 tỉ đồng, đạt 32%. Năm 2024, tỉnh Quảng Trị được phân bổ 731,188 tỉ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển 368,655 tỉ đồng; vốn sự nghiệp là 362,532 tỉ đồng). Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn kéo dài của các CTMTQG trong năm 2024. |
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG tại các địa phương.
Chủ động, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tham mưu Chính phủ khắc phục hạn chế, sơ hở trong chính sách, chủ trương thực hiện. Tập trung triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn cấp có thẩm quyền đã giao; chủ động nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền, có biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương thực hiện các CTMTQG.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: ĐV
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG như: Các nội dung liên quan đến quy định pháp luật hiện hành; một số nội dung đầu tư tại Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6 có địa bàn triển khai ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo phân định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng. Chưa có hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Đối với CTMTQG Xây dựng NTM, quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại một số địa phương còn lúng túng, chưa bám sát nội dung quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng. Các xã miền núi thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III, khu vực II xuống xã khu vực I sẽ không được hưởng các chế độ an sinh xã hội trong khi điều kiện thực tế tại các địa phương còn nhiều khó khăn…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp quyết liệt, nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn trong việc giải ngân nguồn vốn. Các tỉnh, thành phố cần chủ động, quyết liệt triển khai nhanh chóng; rà soát phân cấp thẩm quyền để giao nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân thực hiện hiệu quả các CTMTQG tại địa phương. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đề nghị các bộ, ngành liên quan cần trả lời một cách cụ thể, mạch lạc, chi tiết và thỏa đáng.
Đức Việt