Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thời gian qua, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ra đời nhiều trên địa bàn, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ. Trong bối cảnh cung đã vượt cầu như hiện nay, việc cấp phép đào tạo, sát hạch lái xe cho các đơn vị, doanh nghiệp là vấn đề cần được quan tâm, cân nhắc.
Giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị kiểm tra năng lực thực hành của học viên -Ảnh: Q.H
Cạnh tranh để phát triển
Chỉ một cú click chuột, cuộc điện thoại hoặc tin nhắn, người dân có thể nắm rõ thông tin cần thiết liên quan đến công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Những thông tin kể trên cũng xuất hiện ngày càng nhiều nơi công cộng, trên pa nô, áp phích, tờ rơi… Ở một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, giáo viên, viên chức, người lao động được khuyến khích, hỗ trợ tài chính để về các xã, phường, thị trấn làm công tác tuyển sinh. Việc giới thiệu thông tin tuyển sinh được nhiều giáo viên kết hợp thực hiện trong những khóa giảng dạy. Đối với những người dân quá bận rộn, hồ sơ đăng ký được cơ sở đào tạo, sát hạch, giáo viên tạo điều kiện chuyển đến tận tay.
Có thể nói chưa khi nào công tác tuyển sinh, đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các giải pháp thúc đẩy việc tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu ra đời ngày càng nhiều. Sự chuyển đổi ấy có lẽ bắt nguồn từ việc ngày có càng nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ra đời.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, trên địa bàn có 4 đơn vị đào tạo lái xe mô tô, ô tô các hạng và 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô. Trong đó, 4 đơn vị đào tạo lái xe mô tô, ô tô các hạng gồm: Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị; Trường Trung cấp nghề tổng hợp ASEAN; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Mạnh Linh; Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị. Các cơ sở đào tạo được phân bổ khá đồng đều tại TP. Đông Hà, huyện Hướng Hóa và huyện Vĩnh Linh.
Trong bối cảnh cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ra đời nhiều, thời gian qua, các đơn vị làm công tác này đã không ngừng đổi mới, phát triển để tăng sức cạnh tranh. Tuy mới ra đời vào tháng 10/2020 nhưng Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị đã sớm khẳng định uy tín.
Để có được kết quả đó, trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo công tác tuyển sinh, đào tạo, sát hạch hiệu quả như: dạy lý thuyết, mô phỏng tập trung theo hình thức truyền thống kết hợp tự học lý thuyết có hướng dẫn; cung cấp tài liệu, đường link cho học viên tham khảo trên các kênh thông tin, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại; giao giáo viên phụ trách từng nhóm nhỏ để thuận lợi trong tư vấn, kèm cặp…
Việc dạy thực hành lái xe luôn được quán triệt đúng trình tự, đủ bài. Các bài chạy xe phải thực hiện đúng các khoa mục theo quy định và phương pháp chung do trung tâm nghiên cứu, ban hành.
“Trong năm vừa qua, trung tâm đã tuyển sinh và đào tạo 1.399 học viên các hạng: B1 số tự động, B2 và C. Trong đó, số học viên đã được sát hạch, cấp giấy phép lái xe là 1.091 người, đạt tỉ lệ 81,72%.
Kết quả đó có được là nhờ nỗ lực của cả tập thể, giúp trung tâm đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Quảng Trị cho biết.
Cũng triển khai nhiều giải pháp để tăng sức cạnh tranh, thời gian qua, Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị được nhiều người dân có nhu cầu học lái xe lựa chọn. Trường hiện có khoảng 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 50 người là giáo viên dạy lý thuyết, thực hành. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, trung tâm thường xuyên kiểm tra, đánh giá năng lực giáo viên. Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Minh Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Quảng Trị chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh là điều đương nhiên, không thể tránh khỏi. Vì thế, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi, khẳng định thêm bề dày truyền thống nhà trường. Điều mà chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là phải đối mặt với những sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Cung đã vượt cầu
So với các tỉnh, thành phố trong nước, Quảng Trị là tỉnh nhỏ, có dân số ít, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Mặc dù nhu cầu học lái xe của người dân trong thời gian qua có tăng nhưng không quá cao. Theo thống kê của Sở GTVT về kết quả đào tạo trong 3 năm vừa qua (bao gồm cả những học viên được đào tạo tại các tỉnh khác), nhu cầu học lái xe ô tô trên toàn tỉnh giao động trong khoảng 3.000 – 5.000 học viên/năm. Sự biến động về nhu cầu học lái xe được đánh giá là không lớn.
Cũng theo số liệu Sở GTVT cung cấp, năng lực đào tạo của 4 cơ sở đào tạo lái xe hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hằng năm khoảng 9.000 học viên ô tô các hạng và 50.000 – 60.000 học viên hạng A1.
Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, các cơ sở chỉ tổ chức đào tạo mới cho gần 5.000 học viên ô tô các hạng (đạt khoảng 50% năng lực của 4 cơ sở đào tạo) và hơn 8.000 học viên mô tô hạng A1 (đạt khoảng 20% năng lực của 3 cơ sở đào tạo). Qua đánh giá, năng lực của 4 cơ sở đào tạo lái xe đáp ứng vượt xa so với nhu cầu học lái xe của người dân trên địa bàn.
Thực tế trên đã phần nào giải thích lý do vì sao sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong tỉnh ngày càng lớn. Sự cạnh tranh ấy gia tăng trong bối cảnh một số cơ sở ở tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng chọn địa bàn Quảng Trị để thúc đẩy việc tuyển sinh, đào tạo. Để cạnh tranh, một số cơ sở đào tạo không ngại “lách luật” trong một số khâu. Đây là điều khiến các cơ sở đào tạo, sát hạch hoạt động đúng theo quy định rất quan ngại.
Trong bối cảnh chung ấy, nếu tiếp tục mở thêm các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn thì chắc chắn cung sẽ vượt xa cầu. Sự cạnh tranh từ đây sẽ thêm phần gay gắt, thậm chí phức tạp. Việc cung vượt quá xa cầu cũng sẽ dẫn đến những khó khăn cho công tác quản lý. Đây cũng chính là “lỗ hổng” gây nên tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.
Bởi, việc mở cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cần rất nhiều nguồn lực từ đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện… đến nhân lực. Khi cơ sở đào tạo được cấp phép đầu tư rất nhiều nguồn lực mà học viên lại quá ít, người bất lợi đầu tiên chính là nhà đầu tư.
Nhìn ra tỉnh bạn là Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và một số địa phương lân cận khác, tuy thuận lợi hơn Quảng Trị về nhiều mặt trong đào tạo, sát hạch lái xe nhưng việc cấp phép đầu tư có sự giới hạn phù hợp. Thông thường, mỗi tỉnh chỉ có khoảng 3 – 4 cơ sở đào tạo.
Tại Thừa Thiên Huế, tuy có gần 1,2 triệu dân với nhiều trường đại học, cao đẳng và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn nhưng trên địa bàn chỉ có 3 cơ sở đào tạo và 1 trung tâm sát hạch. Vì vậy, thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan trong tỉnh cần nghiên cứu kỹ, cân nhắc trước khi cấp phép cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư thêm cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay.
Quang Hiệp