Bà NGUYỄN TRIỀU THƯƠNG, Giám đốc Sở Ngoại vụ trả lời phỏng vấn
– Thưa bà! Những năm qua, công tác xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) vào địa bàn tỉnh đã tạo được dấu ấn đậm nét. Đề nghị bà khái quát một số kết quả nổi bật trong công tác này?
-Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Là một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thiên tai diễn ra thường xuyên, xuất phát điểm của nền kinh tế – xã hội còn thấp, sau gần 35 năm đổi mới và phát triển, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Có được kết quả đó, bên cạnh nỗ lực của địa phương còn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác thông qua các nguồn viện trợ PCPNN.
Ngay sau khi Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo giai đoạn của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hằng năm lồng ghép với chương trình xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Chương trình tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên: Nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn; y tế; giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội; khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ.
Mô hình mô phỏng nỗ lực của các tổ chức quốc tế cùng địa phương trong việc phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh tại Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở TP. Đông Hà -Ảnh: Đ.T
Những kết quả mang lại trong thực tế triển khai các dự án là một câu trả lời đầy thuyết phục của chính quyền địa phương đối với các nhà tài trợ, bồi đắp thêm niềm tin, góp phần thúc đẩy công tác vận động viện trợ PCPNN ngày càng khởi sắc. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có quan hệ hợp tác với trên 60 tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2020-2023), tỉnh và các đối tác đã vận động được hơn 91 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả giai đoạn 2020-2025 là 60 triệu USD.
Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 77 viện trợ dự án và phi dự án từ nguồn vốn PCPNN với tổng giá trị cam kết hơn 55,4 triệu USD, tương đương khoảng 1.254 tỉ đồng, đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Quảng Trị trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về giá trị vận động viện trợ PCPNN, với khoảng 10% tổng giá trị viện trợ. Các chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN/nhà tài trợ tập trung triển khai trong các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh; y tế; giáo dục và đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội; người khuyết tật; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp… Trong đó, lĩnh vực triển khai nổi bật nhất là khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các dự án hợp tác PCPNN đã góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Các tổ chức PCPNN đã đóng góp một nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển xã hội: đóng góp khoảng 2,24% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và 13,1% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2020-2023. Các dự án tài trợ tại khu vực nông thôn, miền núi chiếm 91,5% giá trị viện trợ trên toàn tỉnh theo định hướng của các tổ chức PCPNN ưu tiên các vùng còn khó khăn, thiếu thốn, với các kết quả cụ thể:
Về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới: các dự án viện trợ PCPNN đã góp phần cải thiện điều kiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tiếp cận các nguồn lực đầu vào (con giống, vốn vay ưu đãi, phân bón…), tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật. Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có chất lượng đã được nhân rộng, phát huy hiệu quả như: mô hình nuôi dê sinh sản, nuôi bò sinh sản, mô hình trồng tiêu, sản xuất lúa hữu cơ…
Về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân: các khoản viện trợ tập trung vào nhóm hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng (trong đó có bà mẹ và trẻ em), nhãn khoa, khám và sàng lọc ung thư tử cung, phòng chống suy dinh dưỡng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống nhằm bảo vệ sức khỏe. Các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn bản đem lại hiệu quả thiết thực.
Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, các khoản viện trợ góp phần giúp các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh cải thiện đáng kể điều kiện cơ sở vật chất thông qua việc tài trợ xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa trường học, phòng học, thư viện, nhà mẫu giáo…, giúp học sinh tăng cường hiểu biết về các tác hại của bom mìn gây ra, tích lũy kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra. Các chương trình học bổng là nguồn động viên, khích lệ đầy ý nghĩa, tạo động lực cho các em học sinh nghèo tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.
Về giải quyết các vấn đề xã hội, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đã tiếp cận đến các nhóm đối tượng yếu thế/dễ bị tổn thương trong xã hội như: người nghèo, người khuyết tật… phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Các hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt; giúp người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Về lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, đây vẫn là lĩnh vực trọng tâm với nhiều khoản viện trợ có quy mô vốn tương đối lớn, thời gian thực hiện dài. Nguồn lực tài trợ cùng với những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân vùng hưởng lợi đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, giảm thiểu nguy cơ tai nạn bom mìn, vật nổ; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đối tác tại địa phương.
Về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đây là lĩnh vực nhận được vốn viện trợ còn khiêm tốn do các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn ít.
Về tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ: các dự án PCPNN đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, đặc biệt là nhân lực trong hoạt động rà phá bom mìn.
– Bà cho biết, để hoàn thành công tác xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, Sở Ngoại vụ đã và đang triển khai các giải pháp gì, triển vọng ra sao?
-Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác vận động viện trợ PCPNN cũng như nhu cầu về nguồn lực về tài chính, kỹ thuật từ viện trợ PCPNN trong phát triển kinh tế – xã hội, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành đưa ra các mục tiêu cụ thể từ nay đến hết năm 2025 cho công tác PCPNN tại địa phương, đó là:
Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các nội dung của Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Nghị định số 58/2022/NĐCP của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam và Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025; Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó định hướng rõ ưu tiên vận động theo địa bàn và lĩnh vực. Giai đoạn này cần ưu tiên vận động dự án mang giá trị phát triển bền vững.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn các cơ chế hợp tác đã triển khai trong giai đoạn 2020-2022 để áp dụng cho giai đoạn 2023-2025, đồng thời ban hành các định hướng và chính sách phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động tại tỉnh Quảng Trị. Mở rộng quan hệ với các tổ chức PCPNN có tiềm năng. Duy trì và nâng cao giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN, gắn với nâng cao hiệu quả của viện trợ PCPNN thông qua việc tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực hợp tác với các tổ chức PCPNN.
Đẩy mạnh việc lồng ghép các chương trình/ dự án quốc gia, địa phương với các chương trình/ dự án PCPNN nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động PCPNN; chú trọng nghiên cứu về các tổ chức PCPNN, chính sách của các nhà tài trợ, cơ chế hợp tác hiệu quả để đề xuất những biện pháp hữu hiệu trong vận động viện trợ, quản lý hoạt động và viện trợ PCPNN.
Kêu gọi các tổ chức PCPNN có kế hoạch thực hiện chương trình, dự án dài hạn nhằm giúp địa phương chủ động trong việc lập kế hoạch hợp tác thực hiện; tăng cường cung cấp thông tin, công tác tuyên truyền về PCPNN thông qua trang Thông tin điện tử của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị (phiên bản song ngữ Anh – Việt) hoặc nhóm zalo trao đổi công tác.
Phát huy vai trò của Sở Ngoại vụ – đơn vị chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, địa phương và đối tác về hoạt động PCPNN và viện trợ nước ngoài tại tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chủ động đẩy mạnh đối thoại thường xuyên và cải cách hành chính trong hợp tác với các tổ chức PCPNN và nhà tài trợ; tăng cường chất lượng của các cơ chế phối hợp công tác từ các cơ quan liên quan của tỉnh trong hoạt động quản lý và vận động viện trợ PCPNN tại địa phương.
Quảng Trị đang đổi thay và phát triển từng ngày, diện mạo quê hương ngày thêm đổi mới. Trong những thành tựu đạt được của tỉnh luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và PCPNN. Các tổ chức PCPNN đã mang đến cho Quảng Trị cả về cách tiếp cận, kinh nghiệm, phương pháp và nguồn lực trong quá trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Quảng Trị đang nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, trong đó coi quan hệ với các tổ chức PCPNN là một thành tố quan trọng, bởi đó không chỉ góp phần tăng nguồn lực cho địa phương mà còn hiện thực hóa, phát huy hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Đảng.
Các chương trình, dự án PCPNN đã qua giai đoạn “cho” và “nhận” mà chuyển sang giai đoạn cùng hợp tác phát triển. Hiện nay, các địa phương và Nhân dân trong vùng dự án chính là đối tượng cũng đồng thời là chủ thể thực sự tham gia vào các dự án. Quảng Trị đã và sẽ luôn làm tốt điều này, hướng tới xây dựng hình ảnh một tỉnh Quảng Trị năng động, kiến tạo, tin cậy, có tính cam kết cao.
-Xin cảm ơn bà!
Đào Tâm Thanh (thực hiện)