Chiều nay 30/5, tại Thủ đô Hà Nội, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực VH, TT&DL và danh mục các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2026 – 2030 trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp, hỗ trợ địa phương tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VH, TT&DL tham dự làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng hai Dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị và Dự án Cung đường Hòa Bình – Ảnh: Lê Trường
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết, thời gian qua, Quảng Trị đã triển khai hiệu quả các nguồn lực được Bộ VH, TT&DL phân bổ, hỗ trợ, kết hợp với các nguồn lực sẵn có của địa phương nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa để quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trong đó, ưu tiên triển khai 2 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt: Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam trong năm 2024; tổ chức một số giải thi đấu thể thao tại tỉnh vào thời điểm trước và sau khi tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình theo kế hoạch của Bộ VH, TT&DL.
Tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về “Quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao” và hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích quốc gia Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An để trình Bộ VH, TT&DL xem xét…
Liên quan danh mục các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh, địa phương đề xuất dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị và dự án Cung đường Hòa bình.
Cụ thể, dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị dự kiến quy hoạch trên diện tích 15 ha gồm các hạng mục: Nhà trưng bày bảo tàng chia thành các khu vực trưng bày, tưởng niệm, trải nghiệm; nhà chiếu phim, không gian trưng bày ngoài trời, công viên và các công trình phụ trợ khác…
Tổng kinh phí dự kiến là 1.000 tỉ đồng. Về dự án Cung đường Hòa bình có tổng chiều dài 11 km được xây dựng tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, trong đó, chiều dài về mỗi phía Bắc và Nam sông Bến Hải là 5,5 km.
Tại đây, xây dựng một số cụm biểu tượng tiêu biểu ở cả hai cung đường cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đèn chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, đường dạo… Kinh phí dự kiến khoảng 500 tỉ đồng.
Đối với Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ VH, TT&DL bổ sung lễ hội vào Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đề nghị bộ hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản, khung chương trình lễ hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn và đưa lễ hội này vào chương trình lễ hội quốc gia, là một thương hiệu của địa phương.
Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hồ An Phong phát biểu – Ảnh: Lê Trường
Lãnh đạo thuộc các cục chuyên môn của Bộ VH, TT & DL đã trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan.
Về công tác tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình, có ý kiến đề xuất nên đưa ý tưởng trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng máy bay không người lái (drone) vào chương trình; Quảng Trị cần xây dựng kịch bản khung tổ chức lễ hội với sự phân vai cụ thể cho các đơn vị phối hợp để các đơn vị chuyên môn của bộ có cơ sở hỗ trợ theo từng lĩnh vực trong quá trình thực hiện.
Đối với đề xuất xây dựng dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị, địa phương cần rà soát, cập nhật để phù hợp quy hoạch của tỉnh; xây dựng kế hoạch tìm kiếm, chuẩn bị các nội dung, hiện vật trưng bày trước để tránh trùng lặp với các bảo tàng chiến tích chiến tranh hiện có của các địa phương khác; việc xây dựng bảo tàng cần đi theo định hướng thiên về các giá trị nhân văn, kêu gọi hòa bình…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng mong muốn Bộ VH, TT & DL đồng hành, hỗ trợ cho địa phương trong quá trình xây dựng chương trình lễ khai mạc và bế mạc nhằm tạo điểm nhấn cho Lễ hội Vì Hòa bình- Ảnh: Lê Trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng cho biết, Quảng Trị là một địa phương còn rất nhiều khó khăn, nhưng nơi đây có hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Vì vậy, để góp phần quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh về lịch sử, vùng đất, con người Quảng Trị đến với du khách gần xa nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, Quảng Trị rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ của trung ương, trong đó có lĩnh vực VH, TT & DL. Về Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, hiện nay Quảng Trị đang nỗ lực kêu gọi, vận động xã hội hóa để tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng này. Để lễ hội diễn ra thành công đúng như mục đích và ý nghĩa, tỉnh Quảng Trị mong muốn Bộ VH, TT & DL sẽ đồng hành, hỗ trợ cho địa phương trong quá trình xây dựng chương trình lễ khai mạc và bế mạc nhằm tạo điểm nhấn cho lễ hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, việc đầu tư xây dựng hai Dự án Bảo tàng Chiến tranh và Cung đường Hòa Bình tại Quảng Trị sẽ là dấu ấn văn hóa, lịch sử nhằm giúp địa phương phát triển kinh tế du lịch bền vững – Ảnh: Lê Trường
Liên quan đến các đề xuất của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng 2 dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị và Cung đường Hòa bình sẽ là dấu ấn văn hóa, lịch sử, không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Trị nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung mà còn là điểm đến có giá trị đối với du khách quốc tế. Đây sẽ là những địa chỉ đỏ để truyền tải hết những thông điệp, nội dung, tái hiện những câu chuyện thời chiến, niềm khát khao hòa bình, xây dựng quê hương đến đông đảo du khách, từ đó, góp phần phát triển kinh tế du lịch bền vững.
Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL Nguyễn Văn Hùng đồng ý chủ trì, phối hợp và hỗ trợ Quảng Trị thực hiện chương trình bế mạc Lễ hội Vì Hòa bình với nội dung “Ước nguyện hòa bình” – Ảnh: Lê Trường
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Quảng Trị là địa phương có bề dày lịch sử, nơi đây từng chịu đựng nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh, vì vậy, việc đồng hành, hỗ trợ cho tiến trình phát triển của địa phương, nhất là trong lĩnh vực VH, TT&DL luôn được bộ quan tâm.
Đối với Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, đề nghị ban tổ chức khẩn trương rà soát, kiểm tra chi tiết kịch bản của từng hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, nhất là đối với các hoạt động có quy mô, đông người; dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho chương trình đêm khai mạc và bế mạc nhằm chuyển tải rõ ràng thông điệp của lễ hội.
Về nội dung này, đề nghị tỉnh sớm cung cấp kịch bản, ý tưởng để bộ có cơ sở phân công hội đồng nghệ thuật tham gia rà soát, góp ý, điều chỉnh. Đây là lễ hội có nhiều hoạt động với các đầu việc phức tạp, cùng sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, do đó, tỉnh phải có sự phân công, phân vai cụ thể đối với từng chương trình nhằm tránh sự chồng chéo trong khâu tổ chức.
Trên cơ sở đề nghị của tỉnh, Bộ VH, TT & DL sẽ chủ trì, hỗ trợ Quảng Trị thực hiện chương trình bế mạc Lễ hội Vì Hòa bình với nội dung “Ứớc nguyện hòa bình”, trong đó, chú ý đến yếu tố nghệ thuật mang tính hình tượng.
Đối với 2 dự án theo đề xuất của Quảng Trị, về nguyên tắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên, đề nghị tỉnh cần sớm xây dựng dự thảo đề án chi tiết dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị gửi bộ xem xét.
Đối với dự án Cung đường Hòa bình, tỉnh phải làm việc với Bộ Giao thông vận tải để làm rõ các quy định khác trước khi trình hồ sơ, vì đây là dự án xây dựng trên trục đường giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị Quảng Trị đẩy nhanh tiến độ dự án tu bổ tại 2 di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải.
Lê Trường