Tôi đang đọc lại bác Tô Hoài. Cuốn “Chuyện cũ Hà Nội” (2 phần) dày gần 700 trang. Không thể nói không thú vị. Nhà văn có tài viết gì cũng hay, cũng thu hút bạn đọc. Chẳng phải một thời mà dài lâu. Thích cách kể chuyện của nhà văn, khi chấm phá, lúc tỉ mẩn, lối quan sát nhân vật, sự vật kỹ càng và nghệ thuật dùng chữ của Tô Hoài xứng đáng được gọi là bậc thầy, vừa quen, vừa lạ.
Xin dẫn một ví dụ trong nhiều đoạn văn rất đáng để ví dụ điều tôi vừa nói về người sinh ra “Dế mèn phiêu lưu ký” vô cùng nổi tiếng vì nó sẽ liên quan tới chuyện tôi muốn bàn về nông thôn mới. Đoạn đầu chuyện “Bánh chợ”, Tô Hoài viết:
Lên đến chợ, trẻ con chỉ hoa mắt vì hàng quà. Biết bao nhiêu thứ phải thèm. Quả khế cơm vàng hây, mới trông thấy xâu khế đã tứa nước dãi. Nói gì vô khối bánh trái hoa quả thế kia, nhìn đến ngốt ngát. Những hàng quà chợ ngoại ô. Những quảy, những gánh loi thoi, dưới đôi quang, trên đầu mấu đòn gánh giắt, lạt buộc dây chuối, cái rơm nếp với cả thúng lá gói trên mẹt. Lá sen khô, lá chuối gói bỏng, lá chuối tơi, lá bàng bọc bánh giầy, mo nang, mo cau cặp cơm nắm. Thời ấy chẳng làm gì có giấy báo, miếng giấy bóng nhựa, cái dây cao su gói buộc như bây giờ…
Minh họa: LÊ NGỌC DUY
Chao ơi, thủ thỉ một khúc chữ sao nhiều sức gợi đến thế bác Tô Hoài ơi! Từ một điểm nhìn của người đọc hôm nay, quá khứ và hiện tại được cắt lớp rõ ràng. Hoặc xa hơn, khi ta nghĩ tới tương lai của loài người nếu đặt nó trong mối lo ngại môi trường sống bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Cái chẳng làm gì có mà nhà văn nói trong “Chuyện cũ Hà Nội” chính là điều mong của không ít người hôm nay. Miếng giấy bóng nhựa, bây giờ là túi bóng (túi ni lon) đựng hàng, quà đang có mặt khắp chốn mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn.
Nông thôn mới và chưa mới đều đang gặp phải tình trạng rác thải nhựa khắp nơi mà túi bóng là vật dễ thấy nhất. Thoạt tiên, khi mới ra đời, cái túi bóng được con người chào đón như một phát minh hữu ích của cuộc sống hiện đại. Nhẹ nhàng, tiện lợi vô cùng.
Chợ truyền thống hay siêu thị hoặc các cửa hiệu đều dùng nó để đựng đồ cho người mua mang về. Hình ảnh một người phụ nữ đi chợ về mang theo nhiều chiếc túi bóng là chuyện thường ngày. Túi đựng cá, túi đựng thịt, túi đựng trái cây, túi đựng tỏi, túi đựng ớt…
Mỗi món có một túi bóng kèm theo. Ta thử tính nhé, mỗi ngày từ chợ về, người phụ nữ đó sử dụng khoảng 4 đến 5 chiếc túi bóng, nhân lên mỗi tháng thì có bao nhiêu chiếc được mang về nhà. Những chiếc túi bóng tiện ích ấy cuối cùng rồi cũng đưa ra thùng rác để xe chuyên dụng chở tới bãi chứa (ở đô thị) hay bị tấp thành đống bên đường hoặc vùi chôn vào đất (nông thôn).
Tôi từng đến nhiều làng quê rất đẹp, sông núi hữu tình, xóm mạc yên ả, nhà cửa khang trang nhưng lại có những đống rác lù lù ven đường. Nhiều túi bóng đựng rác nhỏ, to chất chồng ngổn ngang lên nhau trông rất chướng mắt.
Nông thôn mới làm thay đổi diện mạo vùng quê. Nhắm mắt lại cũng hình dung ra được điều đó. Có thể nói so với vài chục năm trước đây thì là một trời một vực rồi. Điện thắp sáng nẻo làng và khắp những ngôi nhà xây. Chẳng tìm đâu ra những ngôi nhà tranh vách đất như thời chưa xa xôi lắm. Đường nhựa, đường bê tông thay những con đường đất nắng bụi, mưa lầy.
Trường học khang trang, đạt chuẩn thấp thoáng sau những hàng cây xanh rợp. Trạm xá cũng phải đàng hoàng, to đẹp, cái sự lùi xùi đã thuộc về dĩ vãng. Nhìn cảnh sắc nông thôn như thế ai chẳng mừng cơ chứ, giấc mơ ngàn đời của những chủ nhân nền văn minh lúa nước “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” đã trở thành hiện thực.
Cái hiện thực dẫu chưa lộng lẫy nhưng cũng thật chấp chới đáng yêu lắm. Đáng yêu đến mức có người muốn tìm đến, tìm về để sống. Nơi đáng sống, tôi từng nghe được những trầm trồ như vậy.
Tuy nhiên, chắc không phải tuy nhiên mà chính xác là đáng tiếc khi nhiều vùng nông thôn mới đang nợ dài dài tiêu chí môi trường. Huyện tôi là đơn vị đạt nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Thị trấn hiền hòa nằm bên dòng sông uốn cong như vành trăng khuyết nơi tôi đang sống cùng gia đình cũng đã đạt nông thôn mới mấy năm nay rồi nhưng nghe đâu cũng đang mắc nợ tiêu chí môi trường. Cái cảnh bò thả rông đi qua phố, lợn nuôi trong khu dân cư đông đúc mùi phân bốc nồng nặc vẫn chưa chấm dứt. Và, buồn thay, người dân chưa hề nói không với những chiếc túi bóng.
Cũng nên biết điều này, theo nhiều tài liệu thì cái túi bóng quen thuộc ấy được làm ra từ các vật liệu rất khó phân hủy.
Chắc hẳn khi mới sáng chế ra người ta chưa lường hết tác hại của nó. Túi ni lon góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, khi bị lẫn vào đất đai sẽ làm cho cây cỏ không thể phát triển, dẫn tới việc xói mòn các vùng đồi núi. Động vật trên cạn hay dưới nước ăn nhầm túi ni lon không tiêu hóa được bị chết gây ra ô nhiễm hệ sinh thái.
Túi ni lon khi bị đốt tạo ra hai loại khí cực kỳ độc hại là dioxin và furan gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, làm suy giảm khả năng miễn dịch của con người… Tôi thực sự rùng mình khi đọc những con số này: Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới sản xuất ra hơn 400 triệu tấn nhựa và tiêu thụ khoảng 1.000 tỉ đến 5.000 tỉ túi ni lon. Với Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi năm chúng ta sử dụng hơn 30 tỉ túi ni lon, trung bình mỗi gia đình dùng từ 5 đến 7 túi bóng một ngày.
Có lẽ, nên đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới về việc hạn chế và tiến tới không dùng túi ni lon. Khó thật, khó lắm đấy nhưng nếu đồng lòng, quyết tâm tôi nghĩ dân mình sẽ làm được. Làm bằng cách “trở lại ngày xưa, làm như ngày xưa” thôi ạ.
Mỗi bà, mỗi chị, mỗi cô đi chợ hay siêu thị mang theo những chiếc làn, chiếc túi xinh xắn bắt mắt làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường bởi tính rất dễ phân hủy của nó. Sao lại không nhỉ, những chiếc làn, chiếc túi thân thiện sẽ bảo vệ thế giới này.
Ở tầm vĩ mô, tôi nghĩ Nhà nước nên có quyết tâm và hành động cụ thể hướng tới mục đích cấm dùng túi ni lon. Càng sớm càng tốt. Còn mỗi người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn mới nên tự giác hạn chế và chấm dứt dùng túi bóng. Sẽ rất hay nếu hội phụ nữ đứng ra chủ trì cuộc vận động người dân nói không với túi nilon.
Rồi sẽ lại như ngày xưa, chiếc thúng, chiếc làn theo những người phụ nữ ra chợ. Giấy, túi gói đồ chỉ được làm ra bằng chất liệu dễ phân hủy. Chuyện cũ bác Tô Hoài kể trở thành chuyện mới hôm nay. Chuyện về những chiếc túi bóng bị vắng bóng trong cuộc sống của chúng ta.
Cuộc sống không có mặt túi ni lon thật đáng sống. Tôi lại ngồi nhớ mẹ ta xưa, khi đi chợ về gọi đứa lớn, đứa bé, thằng cu, con bẹp đến ngồi bên chiếc thúng con con. Mẹ mở ra, kìa chiếc bánh rán gói trong lá chuối, nắm cốm bọc trong lá sen, trái na mở mắt ngơ ngác, trái thị vàng hươm thơm nức ba gian nhà lá…Thương quá ngày xưa. Lẽ nào lại mong “bao giờ trở lại ngày xưa” khi chiếc túi bóng chưa ra đời.
Nguyễn Hữu Quý