Hôm qua 25/12, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ký ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ – 2025.
Theo đó, ngoài các hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, tỉnh Quảng Trị xác định các nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ gồm: lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước); thực phẩm (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt, các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả); nhiên liệu; các nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết (mứt, bánh kẹo, các loại hạt, bia, rượu, nước giải khát).
Đội QLTT số 1 kiểm tra chất lượng, giá cả hàng hóa các lô, quầy kinh doanh tạp hóa tại chợ Đông Hà – Ảnh: H.T
Đây là những mặt hàng có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, đồng thời có tính nhạy cảm về cung cầu và giá cả. Thời gian thực hiện bình ổn từ ngày 25/12/2024 đến ngày 28/2/2025.
Cách thức thực hiện kế hoạch bao gồm việc theo dõi diễn biến giá, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá.
Mặt khác, căn cứ vào nhu cầu, xu hướng và tình hình thị trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, đồng thời chủ động sử dụng các nguồn vốn của đơn vị và vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, trong đó ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối nắm bắt sát tình hình diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để phối hợp tổ chức, điều phối hàng hóa khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tăng cường xây dựng, tổ chức hệ thống các điểm bán hàng cố định và lưu động các mặt hàng thiết yếu đến các xã, phường, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo nhiều mô hình như hợp tác liên kết, đại lý, cửa hàng tiện lợi…; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để phục vụ Nhân dân.
Đồng thời tiếp tục phối hợp, hợp tác, liên kết nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định về số lượng, giá bán; phát triển các kênh bán hàng online, hotline và giao hàng tận nơi để phục vụ nhanh chóng nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại…
Dự báo, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người dân sẽ tăng rất cao (tăng 15% – 20% so với ngày thường), nhất là ở khu vực đô thị, các thị trấn, trung tâm xã.
Do vậy, các mặt hàng có thể có sự biến động nhẹ, như mặt hàng gạo được dự báo mức giá có thể sẽ tăng khoảng 1% – 2%; thịt lợn, thịt bò có thể tăng từ 8% – 10%; thịt gà, vịt và các loại thủy hải sản giá bán có thể tăng từ 10% – 15%…
Hà Trang
Nguồn: https://baoquangtri.vn/binh-on-thi-truong-cac-mat-hang-thiet-yeu-nbsp-dip-cuoi-nam-nbsp-va-tet-nguyen-dan-at-ty-190659.htm