QUÂN NỔI DẬY ĐÁNH CHIẾM BIÊN HÒA
Ở Biên Hòa, Quản cơ Trần Văn Khanh cùng Suất đội Nguyễn Văn Khiển (người huyện Minh Linh, Quảng Trị) đem quân và voi đi tới thôn Bình Phú thì gặp Phó lãnh binh Phan Yên là Giả Tiến Chiêm ở đó. Hỏi ra mới biết thế của quân nổi dậy rất mạnh. Thự Tuần phủ Vũ Hữu Quýnh và Án sát Lê Văn Lễ thấy tình thế chuyển xấu, không để Trần Văn Khanh đi tỉnh Phan Yên nữa mà tổ chức phòng thủ ở bến đò thôn Đông xã Bình Đồng. Lại phái Phó quản cơ ở cơ Biên Hùng là Ngô Văn Hóa đem binh thuyền và chừng 60 lính đến ngã ba sông Nhà Bè để chặn đường.
Mặt khác, hai người phi báo cho tỉnh Bình Thuận và tỉnh Định Tường đem quân đến cứu. Tuần phủ Thuận – Khánh là Hoàng Quốc Điệu nhận được tin báo tỉnh thành Phan Yên thất thủ hồi giờ Tý [23 đến 1 giờ đêm] đêm 23 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Hoàng Quốc Điệu phái Lãnh binh Lê Văn Nghĩa (người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đem 300 quân đi Biên Hòa ứng cứu.
Cứu binh chưa tới nơi thì Nguyễn Hựu Khôi đã sai Trung quân Phó tướng Lê Đắc Lực, Thủy quân Chánh tướng Lưu Hằng Tín tấn công Biên Hòa. Ngày 24, quân nổi dậy ước chừng hơn 300 người theo hai đường thủy bộ tiến đánh bến đò Bình Đồng. Quản cơ Trần Văn Khanh có hơn 150 quân, cùng Phó lãnh binh Phan Yên là Giả Tiến Chiêm ra đánh, lại phái Suất đội Tượng cơ là Nguyễn Văn Khiển đem 5 con voi ra đánh. Không ngờ, Nguyễn Văn Khiển lại làm nội phản, xua voi tấn công quân triều đình. Quân Biên Hòa rối loạn. Lực lượng ở ngã ba Nhà Bè không biết đã rút đi đâu. Quân nổi dậy tràn vào tỉnh lỵ Biên Hòa. Thự Tuần phủ Vũ Hữu Quýnh nghe tin tên Khiển làm nội phản, bèn đem chém con trai thứ hai của tên này vốn cũng là lính tượng binh. Suất đội ở đội 2, 3 Tượng cơ Biên Hòa cũng bị tống giam. Quân lính giữ Biên Hòa ít ỏi, lính tượng lại không có lòng chiến đấu. Đêm hôm ấy, thự Tuần phủ Biên Hòa là Vũ Hữu Quýnh, Án sát Lê Văn Lễ bỏ tỉnh lỵ, đem 17 thớt voi rút về trạm Thuận Biên để đợi viện binh từ tỉnh Bình Thuận.
Ngày 25, quân nổi dậy hoàn toàn làm chủ tỉnh lỵ Biên Hòa. Lê Đắc Lực xưng là Trấn thủ, Nguyễn Hựu Dự làm Hiệp trấn. Việc chiếm được Biên Hòa khiến quân nổi dậy có cơ hội tăng cường lực lượng. Đội Hồi lương ở Biên Hòa cũng quy thuận.
VIỆN BINH BÌNH THUẬN THAM CHIẾN
Giờ Mùi [1 – 3 giờ chiều] ngày 27, lực lượng viện binh tỉnh Bình Thuận của Lãnh binh Lê Văn Nghĩa và 145 lính tới trạm Thuận Biên. Vẫn còn 155 lính nữa do Phó cơ Nguyễn Văn Lý chỉ huy đi sau (thực tế một số bỏ trốn, chỉ đến nơi hơn 290 người). Đến khi các quan Khâm phái từ kinh đô đi Nam Kỳ là Phạm Duy Trinh, Nguyễn Đức Tiệm tới trạm Thuận Biên, thấy ở đó có các quan hai tỉnh Biên Hòa, Phan Yên tụ tập. Trong đó có cả Tuần phủ Vũ Hữu Quýnh, Án sát Lê Văn Lễ, Lãnh binh Hồ Kim Truyền, Án sát Nguyễn Chương Đạt, Lãnh binh Nguyễn Quế… Quân tiếp viện tỉnh Bình Thuận của Lãnh binh Lê Văn Nghĩa, Phó cơ Nguyễn Văn Lý, hơn 300 quân lính và 17 thớt voi cũng đóng ở đó.
Ngày 28, bọn Tuần phủ Biên Hòa là Vũ Hữu Quýnh, Lãnh binh Bình Thuận Lê Văn Nghĩa đem quân và voi tiến đóng ở trạm Biên Long, tức huyện lỵ của huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa. Ở đây còn được một kho gạo công. Đến ngày mồng 3 tháng 6, lực lượng tăng viện tiếp theo của tỉnh Bình Thuận do Tôn Thất Gia chỉ huy cũng tới, tăng quân số viện binh Bình Thuận lên 542 người. Thự Tuần phủ Biên Hòa Vũ Hữu Quýnh cũng chiêu tập được một số quân lính địa phương, bố trí quân đồn trú các nơi, chia người đi các xã vỗ về dân chúng. Lòng dân huyện Phước An mới được yên.
Đêm mồng 7, Vũ Hữu Quýnh đem 40 lính dưới quyền cùng Lãnh binh Bình Thuận là Lê Văn Nghĩa, Tôn Thất Gia đem 500 quân rời trạm Biên Long. Mờ sáng ngày mồng 9, quân Bình Thuận – Biên Hòa tiến tới xã Phước Lộc, huyện lỵ của huyện Long Thành. Bấy giờ, Cai cơ Trần Minh Thiện của quân nổi dậy đóng hai đồn phòng thủ Long Thành. Quân Bình Thuận – Biên Hòa đánh tan được quân nổi dậy, chém được Trần Minh Thiện cùng nhiều chỉ huy và lính cơ Biên Hùng đã đi theo quân nổi dậy, bắt được 54 tên – đa số là lính cơ Biên Hùng cũ, thu 1 chiếc thuyền lê và nhiều khí giới. Quân Bình Thuận – Biên Hòa thừa thắng tiến về tỉnh lỵ.
Lực lượng quân nổi dậy ở Biên Hòa ước chừng hơn 200 người, 6 con voi và 2 chiếc thuyền chiến đậu ở bến sông tỉnh lỵ (một số khác còn để trên bờ). Giờ Mùi [1 – 3 giờ chiều] ngày mồng 10, quân Bình Thuận – Biên Hòa tiến vào tỉnh lỵ. Trấn thủ của quân nổi dậy là Lê Đắc Lực, Hiệp trấn Nguyễn Hựu Dự đã bỏ trốn trước. Tỉnh Biên Hòa trở lại quyền kiểm soát của triều đình. (còn tiếp)
(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký – toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Nguồn: https://thanhnien.vn/bien-hoa-cong-thu-chien-185250104203819942.htm