Kinh doanh tín chỉ carbon từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng là hướng đi mới để phát triển kinh tế lâm nghiệp của các địa phương có rừng. Đối với Quảng Trị, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon không chỉ đến từ rừng mà trong tương lai, tiềm năng về thảm cỏ biển hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị. Đây chính là nền tảng để tỉnh tham gia vào thị trường tín chỉ carbon sau năm 2025.
Ra mắt Ban quản lý Rừng cộng đồng thôn Cát, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa – Ảnh: BẢO BÌNH
“Tiền tươi thóc thật” từ rừng
Năm 2023, cộng đồng dân cư thôn Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa được hưởng lợi từ nguồn thu giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) với tổng số tiền hơn 92 triệu đồng. Anh Hồ Văn Giỏi, Tổ trưởng Tổ Quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng thôn Trăng – Tà Puồng cho biết, tổ có 22 người, nhận bảo vệ 230 ha rừng tự nhiên. Mỗi tháng 3 lần, thành viên của tổ cùng với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra rừng.
Mỗi lần đi tuần tra, các thành viên đều chú ý thật kỹ đến các dấu hiệu xâm hại rừng hoặc các nguy cơ cháy rừng. Nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại rừng, tổ sẽ nhanh chóng báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
“Bán tín chỉ carbon, tiền tươi thóc thật đã về. Bà con nhận được tiền ai cũng phấn khởi. Có thêm tiền này chắc chắn người dân càng quyết tâm giữ rừng hơn. Sống nhờ rừng nên mỗi người dân càng phải có ý thức bảo vệ rừng thật tốt, để rừng thực sự là chỗ dựa sinh kế cho gia đình và cộng đồng”, anh Hồ Giỏi chia sẻ.
Hiện có 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý ở các thôn: Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; Hồ và Cát, xã Hướng Sơn; Xa Bai, xã Hướng Linh; Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa được cấp chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững (FSC). Đây cũng là những cánh rừng được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon với tổng diện tích gần 2.145 ha, cho lượng hấp thụ các bon 7.000 tấn/năm và lượng lưu trữ khoảng 350.000 tấn.
Triển khai thực hiện thí điểm Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng, năm 2023, tỉnh Quảng Trị nhận được hơn 51 tỉ đồng chi trả từ nguồn thu ERPA cho giai đoạn từ năm 2023 – 2025. Số tiền này có được dựa trên kết quả đo đếm lượng phát thải giai đoạn 2018 – 2024.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước cho biết, năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện chi trả hơn 16 tỉ đồng cho đối tượng hưởng lợi là các chủ rừng gồm hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư với diện tích 15.992 ha; chủ rừng là tổ chức với diện tích 85.753 ha (gồm 3 công ty TNHH MTV lâm nghiệp nhà nước, 3 ban quản lý rừng phòng hộ, 2 ban quản lý rừng đặc dụng); chủ rừng là UBND huyện (đảo Cồn Cỏ), UBND cấp xã với diện tích 18.907 ha và tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng với diện tích 6.040 ha (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Trung bình mỗi hec ta rừng tự nhiên sẽ được chi trả khoảng 120.000 đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon.
Thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa kiểm tra, ghi chép thông tin hiện trạng cây rừng – Ảnh: BẢO BÌNH
Theo kế hoạch thực hiện ERPA năm 2024, chi trả cho đối tượng hưởng lợi hơn 19,5 tỉ đồng. Đến tháng 10/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện chi trả hơn 17,4 tỉ đồng. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống nhờ rừng. Đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng và là nguồn hỗ trợ cấp thiết đầu tư các công trình, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, góp phần gia tăng hiệu quả giảm mất rừng, suy thoái rừng.
Cũng trong năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án “Bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý”, do Công ty Etifor S.r.l.Benefit Corporation thuộc Đại học Padua (Italia) tài trợ với tổng số vốn 6,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 3/2024 – 2/2028. Dự án nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý ở khu vực miền núi phía Bắc huyện Hướng Hóa.
Để nâng cao giá trị từ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch vận động người dân, chủ rừng thay đổi nhận thức, thay phương thức canh tác, trồng rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2. Theo đó, giai đoạn từ năm 2024 – 2028, mỗi năm tỉnh phấn đấu vận động người dân trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2.
Tiềm năng bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển
Nếu ngành lâm nghiệp đã bán tín chỉ carbon từ rừng thì với ngành thủy sản, tiềm năng này cũng đang được nhận diện với hàng thảm cỏ biển khi nó có thể lưu trữ 1.500 tấn khí thải nhà kính trên mỗi km2. Quảng Trị cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương, giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3,8 nghìn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm. Ngoài ra, cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 – 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích.
Quảng Trị là một trong những địa phương có tiềm năng khai thác và bán tín chỉ carbon rừng. Theo thống kê, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng là 285.878 ha, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh. Tỉnh đã giao khoảng 20.000 ha rừng tự nhiên cho hơn 100 cộng đồng và gần 1.000 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, trước năm 2023, chỉ khoảng 35% diện tích rừng giao cho cộng đồng và hộ gia đình nằm trong khu vực được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
Tại Quảng Trị, theo kết quả tổng quan các tài liệu nghiên cứu trước đây, có 2 loài cỏ biển gồm cỏ lươn nhật và cỏ kim biển, phát triển thành bãi rộng khoảng 400 ha, tập trung tại vùng biển Cửa Tùng và Cửa Việt. Ngoài ra, khu vực đảo Cồn Cỏ ghi nhận duy nhất loài cỏ xoan. Tuy nhiên, sau sự cố Formosa, tình trạng các quần xã cỏ biển trong vùng ven biển Quảng Trị nói riêng, khu vực miền Trung nói chung bị ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng.
Việc phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Nhận thấy tiềm năng của thảm cỏ biển trong việc lưu trữ carbon, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển, đồng thời đề xuất phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của các thảm cỏ biển trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các thảm cỏ biển. Kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo lập cơ sở giúp tỉnh sẵn sàng tham gia theo lộ trình thị trường carbon trong nước trên quan điểm tận dụng giá trị sinh thái nhằm mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho địa phương.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, cùng với san hô và rừng ngập mặn, cỏ biển là một trong ba hệ sinh thái ven biển quan trọng, mang lại nhiều giá trị dịch vụ sinh thái và môi trường cho con người. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng thảm cỏ biển ở địa phương, dự kiến hoàn thành năm 2026, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển các thảm cỏ biển.
Để đảm bảo các điều kiện tham gia vào thị trường carbon, thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ đối với các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng và nông, lâm nghiệp, sử dụng đất.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tích cực tìm kiếm, huy động, lồng ghép nguồn lực từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ trong việc triển khai các chương trình giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ban-tin-chi-carbon-tiem-nang-tu-rung-den-tham-co-bien-190777.htm