Sáng nay 17/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị – Ảnh: L.A
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, năm 2023, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm. Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy.
Tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.
Đối với công tác phòng, chống mua bán người, các lực lượng chức năng đã chủ động nắm chắc tình hình, quyết liệt triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ, triệt phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài. Kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội mua bán người. Công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các bộ, ngành, địa phương chú trọng…
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2023 nổi lên một số hoạt động như mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã qua khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không; mua bán, vận chuyển trái phép đường cát, vàng, ngoại tệ qua biên giới. Lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… tại các tỉnh, thành phố.
Các bộ, ngành, lực lượng chức năng, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với cùng kỳ, gồm: 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 14.570 tỉ đồng. Khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.
Về nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.
Chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý. Tập trung đánh trúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, dự báo trong thời gian tới các loại tội phạm, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật không phù hợp. Chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xây dựng các phương án đấu tranh, thu thập thông tin phù hợp với tình hình mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao đang ngày càng tinh vi.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Lê An