Bác thật đặc biệt, ít nhất là đối với tôi. Họ hàng ở quê nhiều nhưng duy nhất tôi là đầu mối để bác liên lạc, gọi điện. Có việc gì ở quê, tôi là người báo cho bác biết đầu tiên; bác hỏi thăm ai, có việc hiếu hỷ cũng gọi cho tôi trước. Dù tuổi cao nhưng bác rất chăm nghe đài, đọc báo. Bất cứ tình hình gì của quê hương Quảng Trị bác đều quan tâm, nghe qua đài, báo rồi gọi về hỏi thăm, chia sẻ. Tôi cũng vì công việc bận rộn nên không gọi cho bác đều đặn mà đa số là bác gọi cho tôi. Có hôm gọi trong giờ làm việc, tôi không tiện nghe máy, về nhà cũng quên gọi lại nhưng bác vẫn chủ động gọi tôi mà không hề trách cứ.
Những tờ báo xuân Quảng Trị luôn được bác tôi trân trọng, nâng niu như món quà quê đặc biệt-Ảnh: TÚ LINH
15 tuổi bác đã xa nhà theo cách mạng. Rồi năm 1954, bác cùng đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. Nơi làm việc trước khi bác nghỉ hưu là Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ Đô). Nhà bác ở phố cổ Hà Nội, trong 1⁄2 căn hộ tập thể rộng khoảng 16 m2 trên tầng 3 của khu chung cư cũ từ năm 1954 đến nay. Căn hộ chỉ để được 1 chiếc giường đôi và 1 chiếc ghế đa năng, khi cần có thể kéo ra thành giường ngủ, 1 chiếc tủ lạnh nhỏ xíu và cơi nới thêm chiếc gác xép đựng vật dụng khác. Nhà chật nhưng lòng người luôn rộng rãi. Không một ai ở quê ra mà không ghé nhà bác ăn một bữa cơm và được mang về quê một ít thức quà Hà Nội.
Tuần trước, bác vừa gọi điện cho tôi nhắc Tết này nhớ gửi báo xuân Quảng Trị cho bác; hỏi thăm sức khỏe gia đình, họ hàng, làng quê và một số sự kiện quan trọng của tỉnh. Bác còn hỏi tôi: Thế bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Cật ở quê mình vừa mất cháu có đi viếng không? Mẹ là họ hàng xa của bác, năm rồi bác về quê có ghé thăm, mẹ vẫn khỏe…”. Ở tuổi 96 nhưng bác vẫn nhớ rành mạch, minh mẫn mọi sự kiện, mọi người một cách chi tiết đến đáng ngạc nhiên.
Hơn 20 năm nay, Tết nào tôi cũng gửi biếu bác tờ báo xuân Quảng Trị, kèm với đó là vài món tết quê nhà như bánh chưng, mứt gừng và dưa món. Hà Nội không thiếu những món này, thậm chí còn ngon hơn nhưng bác vẫn quý quà tết quê với tờ báo xuân đặt bên cạnh, cho mùa xuân nơi phố phường thêm ấm áp. Còn với tờ báo Tết thì năm nào đọc xong bác cũng gọi điện về cho tôi, mừng vui vì quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh. Ai đến chơi nhà bác cũng khoe: “Tôi ở Hà Nội mà luôn được đọc báo giấy từ Quảng Trị gửi ra đấy!”.
Buổi sáng cuối tuần mùa đông rét buốt, lăn lóc mãi không ra được khỏi chăn ấm nhưng dòng tin nhắn của người con trai bác khiến tôi bật dậy, bàng hoàng. Bác tôi trở bệnh 2 ngày nay và hôn mê sâu. Có lẽ nào năm nay, tờ báo xuân mang hương vị quê nhà tôi gửi ra bác không còn đọc được nữa. Hình ảnh quen thuộc về người lính già chăm chú lần đọc từng dòng chữ, rồi mừng vui gọi điện cho người thân khoe quê hương ngày càng đổi mới sẽ không còn hiển hiện trước mặt con cháu. Những cuộc điện thoại mang nỗi nhớ, niềm thương đau đáu với quê hương Quảng Trị cũng dần thưa… Hà Nội đang rét đậm. Lòng tôi se thắt…
Tuệ Linh