Khai thác tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, hằng năm, cứ đến dịp tết Nguyên đán, nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) miền sơn cước Quảng Trị lại tất bật với việc chuẩn bị những sản phẩm đặc trưng phục vụ thị trường. Để tạo niềm tin cho khách hàng, họ đặt tâm huyết vào việc lựa chọn, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp mắt với phong phú chủng loại. Thông qua các mặt hàng bán Tết, đồng bào DTTS không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.
Chị Hoạ My sẵn sàng các sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ khách trong dịp tết Nguyên đán 2025 – Ảnh: NVCC
Những ngày cận tết Nguyên Đán, chị Hồ Thị Họa My, người Pa Kô ở thị trấn Krông Klang bận rộn chế biến các mặt hàng được xem là “độc quyền” ở huyện Đakrông. Đó là các sản phẩm như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn bản gác bếp, muối ớt, cheo cá, rượu cần, rượu nếp than, rượu men lá…với những vị rất riêng, thơm ngon mà khi thưởng thức thực khách sẽ khó quên.
“Để đảm bảo số lượng sản phẩm phục vụ Tết, tôi phải chuẩn bị nguyên liệu cả tháng nay, thuê thêm nhân công là các chị người đồng bào DTTS ở thị trấn phụ các công đoạn sơ chế sản phẩm. Sau khi sơ chế, tôi tự tay chế biến từng món để đúng công thức, hợp khẩu vị.
Bao bì, chai lọ, nhãn mác sản phẩm được tôi lựa chọn khá kỹ với mong muốn sản phẩm không chỉ thơm ngon mà phải có thẩm mỹ, khách mua về dùng và có thể làm quà tết tặng cho người thân, bạn bè khi nhìn vào sản phẩm sẽ thiện cảm hơn, thấy được tâm huyết của người tạo ra nó”, chị Họa My chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm nói trên, chị Họa My còn lựa chọn những sản vật chất lượng thu mua từ đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện để phục vụ thị trường tết như gạo, nếp than, rau củ quả, trái cây, cá mát, mật ong rừng, gà bản…Bên cạnh bày bán sản phẩm tại cửa hàng ở thị trấn Krông Klang, dịp Tết chị Họa My còn tham gia gian hàng ở Chợ phiên biên giới tại Lao Bảo; tăng cường bán hàng online qua các trang mạng facebook, zalo, tiktok, youtobe.
Thành phẩm măng khô giữ được màu vàng tươi đẹp của Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng – Ảnh: NVCC
Khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị luôn nỗ lực vượt qua để làm cầu nối đưa sản phẩm đặc trưng ở quê hương đến với thị trường ngày một rộng hơn. Đặc biệt, chị đã góp phần giúp bà con có đầu ra cho một số cây trồng, vật nuôi. Riêng trong tháng tết Nguyên đán, chị tạo công ăn việc làm cho từ 3-5 phụ nữ người DTTS với thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày.
Măng là một trong những sản phẩm đặc trưng được sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon trong dịp tết Nguyên đán. Từ lợi thế vùng miền núi có nguồn măng tự nhiên dồi dào, các thành viên Tổ hợp tác (THT) nông sản sạch Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đã tập trung thu hái lượng lớn măng, chuối hột, hoa đu đủ đực, mướp đắng, chè rừng để sơ chế, đưa vào lò sấy, bảo quản phục vụ thị trường tết sắp tới.
Trước đây, kinh tế của gia đình các thành viên trong THT chủ yếu nhờ vào nương rẫy, do phương thức sản xuất lạc hậu nên cuộc sống rất khó khăn. Được sự tài trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam, tháng 7/2023 tổ hợp tác thành lập, gồm 16 thành viên là phụ nữ người Vân Kiều trong xã.
Chị Hồ Thị Linh thành viên Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thu hái các sản vật từ thiên nhiên như măng, chuối rừng, các loại lá thảo dược về sơ chế, đưa vào hệ thống sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời.
Tranh thủ thời gian nông nhàn sau khi làm nương rẫy, chúng tôi vào rừng thu hái nông sản để tăng thêm thu nhập.
Tham gia mô hình này, bình quân 1/2 ngày, chúng tôi thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người, dịp tết Nguyên đán thì chúng tôi dành thời gian thu hái, sơ chế nông sản nhiều hơn nên thu nhập cao gần gấp đôi. Các đơn đặt hàng nông sản sấy trước tết cả tháng, nhiều nhất là sản phẩm măng khô nên chúng tôi rất bận rộn”.
Sản phẩm rượu nếp cẩm men lá của chị Hải Âu được trưng bày tại gian hàng của Công ty TNHH TMDV Bảo An Khôi tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Quảng Trị – Ảnh: K.S
Nhờ sấy trong lồng kín, nhiệt độ ổn định nên các sản phẩm của tổ hợp tác khô rất đẹp, đặc biệt đối với măng làm đúng quy trình từ khi thu hái về làm luôn nên măng không bị ố màu, chảy nhựa, sấy xong thơm ngon, màu vàng. Các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và được đóng gói cẩn thận.
Đầu ra sản phẩm của tổ hợp tác được anh Nguyễn Hữu Khóa, Phó Ban điều hành Dự án Plan tại xã Ba Tầng hỗ trợ quảng bá tích cực trên mạng xã hội nên sản xuất đến đâu, bán hết đến đó. Anh Khóa cho hay: “Thông qua tổ hợp tác, chị em người Vân Kiều có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc tranh thủ thời gian làm vườn làm rẫy có thêm tiền mua sách vở cho con, mua thức ăn và mua mứt, bánh kẹo, hạt dưa ăn tết. Thị trường của các sản phẩm chủ yếu ở Quảng Trị và các tỉnh lân cận như Huế, Quảng Bình. Năm nay, đơn đặt hàng nông sản sấy tại THT nhiều hơn năm ngoái nhưng các thành viên luôn động viên nhau đảm bảo được số lượng lẫn chất lượng để giữ uy tín với khách”.
Cũng như chị Họa My, THT nông sản sạch Ba Tầng, những tháng cuối cùng 2024, chị Kô Kăn Hải Âu, người Pa Kô ở Khối 3B thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa chuẩn bị một lượng khá lớn nếp cẩm, nếp trắng để chế biến các loại rượu từ men lá rừng.
Nhờ có bí quyết riêng nên sản phẩm của chị thơm ngon, khẳng định được uy tín, chất lượng với thị trường. Sản phẩm của chị được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, cấp mã vạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được thị trường ưa chuộng.
“Rượu được làm bằng men lá rừng, lên men tự nhiên nên có hương vị đặc trưng và chất lượng đảm bảo. Chính vì vậy, tôi mong muốn góp phần cùng người dân địa phương cung cấp cho khách hàng dịp Tết loại thức uống đặc trưng của người Vân Kiều, Pa Kô. Số lượng rượu sản xuất phục vụ Tết của gia đình tôi tăng hơn những tháng khác trong năm, khoảng hơn 1.000 lít rượu các loại, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng”.
Các thành viên Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng sơ chế măng tươi chuẩn bị đưa vào hệ thống sấy – Ảnh: T.H.T
Ngoài các loại sản phẩm nông sản đặc trưng nói trên, người Vân Kiều, Pa Kô ở các huyện miền núi còn chuẩn bị phong phú sản phẩm phục vụ thị trường tết như chổi đót, vải thổ cẩm, các vật dụng làm bằng mây tre nứa như a điên, a đư…
Theo những người sản xuất sản phẩm đặc trưng ở vùng đồng bào DTTS, bên cạnh những thuận lợi, họ còn gặp một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh như: Thiếu vốn đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại; nhãn mác, bao bì chủ yếu tự mày mò, thiết kế, chưa đúng với quy định…
Vì vậy, để nâng cao chất lượng, tăng số lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường, họ mong muốn các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất của người đồng bào DTTS thiết kế mẫu mã tem, nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm. Mở các khóa đào tạo giúp chị em người DTTS biết thêm nhiều hơn về sử dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Kô Kăn Sương
Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-thu-nhap-trong-dip-tet-tu-san-pham-dac-trung-191343.htm