Quảng Trị là một trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là cơ hội giúp người dân trên địa bàn tỉnh gắn bó với rừng có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện ERPA đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tổ bảo vệ rừng thôn Hồ, xã Hướng Sơn, Hướng Hóa cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng – Ảnh: T.T
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (gọi tắt là BQL) thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 37.666,01 ha. Ngoài ra, khu bảo tồn đang được giao quản lý thêm khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại với diện tích tự nhiên 5.237,4 ha. Năm 2023, BQL được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị chi trả hơn 4,3 tỉ đồng tiền bán tín chỉ các-bon.
Ban đã xây dựng kế hoạch về việc thực hiện chia sẻ lợi ích theo chương trình ERPA nguồn kinh phí của năm 2023 thực hiện năm 2024. Đồng thời tiến hành làm việc với chính quyền các xã vùng đệm gồm Tà Long, Ba Nang, Húc Nghì, A Bung, Đakrông, Ba Lòng, Triệu Nguyên và các cộng đồng dân cư tham gia thống nhất thực hiện thỏa thuận quản lý rừng, hỗ trợ sinh kế đối với cộng đồng các thôn sống gần rừng, trong rừng thuộc lâm phần được giao quản lý.
Với số tiền 4,3 tỉ đồng được chi trả, đơn vị chi kinh phí quản lý 10%, kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng tham gia quản lý rừng hơn 3,3 tỉ đồng, kinh phí hỗ trợ UBND xã có cộng đồng tham gia quản lý rừng hơn 64 triệu đồng và kinh phí cho các biện pháp lâm sinh hơn 533 triệu đồng.
Chương trình ERPA giúp BQL có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân các xã vùng đệm tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm ổn định đời sống. Tuy nhiên, do thực hiện năm đầu tiên trong giai đoạn thí điểm nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông Hồ Viết Thắng, đối chiếu quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ thì tiền bán tín chỉ các-bon chỉ chi trả cho khoán bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư. Vì vậy, đối với diện tích dịch vụ môi trường rừng mà đơn vị đã giao khoán cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và phần diện tích đơn vị tự bảo vệ không thể tiến hành thỏa thuận, khoán bảo vệ rừng theo chương trình ERPA là một thiệt thòi lớn đối với đơn vị, người dân tại các khu vực này. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm C khoản 2 Điều 3, Nghị định số 107, thì chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước.
Điều này đã hạn chế việc chia sẻ lợi ích theo mục đích mà chương trình hướng đến. Vì một phần diện tích rừng tự nhiên thuộc quản lý của khu bảo tồn đã được bố trí kinh phí từ các ngân sách nhà nước khác theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽkhông thể triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ về sinh kế theo quy định của Nghị định số 107.
Theo quy định, đối tượng hưởng lợi là cộng đồng dân cư, UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức trong khi thực tế ở Quảng Trị, diện tích rừng tự nhiên do các chủ rừng quản lý là tổ chức chủ yếu nằm ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi giáp biên giới, điều kiện tiếp cận khó khăn, có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Vì thế, khi triển khai chi trả nguồn kinh phí từ bán tín chỉ các-bon rừng, các diện tích rừng này khó để đưa vào thực hiện giao khoán cho cộng đồng. Việc giới hạn đối tượng nhận khoán (cộng đồng dân cư) theo quy định là chưa bảo đảm tính khả thi trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Theo quyết định của UBND tỉnh, diện tích rừng được chi trả từ ERPA là 126.692,4 ha, diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là 50.092,32 ha.
Phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh chủ yếu nằm ở 2 huyện miền núi huyện Hướng Hóa và Đakrông với diện tích 96.157,13 ha, chiếm gần 80% diện tích rừng được chi trả ERPA. Đây cũng là 2 huyện được chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm, hiện nay có thêm nguồn thu từ ERPA, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho các chủ rừng.
Thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 3/10/2023 – 30/12/2024, tổng thu từ bán tín chỉ các – bon rừng là hơn 51,1 tỉ đồng. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 8 chủ rừng là tổ chức được hưởng lợi nguồn thu từ ERPA với tổng diện tích là 85.752,93 ha, tương ứng với số tiền là hơn 10,8 tỉ đồng.
Có 66 cộng đồng dân cư được nhận hỗ trợ phát triển sinh kế với tổng số tiền là 3,3 tỉ đồng, trong đó 56 cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng chủ yếu là mua giống cây trồng, vật nuôi và xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như sân, mái lợp sân nhà cộng đồng thôn, sơn sửa nhà, mua sắm bàn ghế, làm điện chiếu sáng, xây dựng hàng rào cho nhà cộng đồng…Tính đến ngày 30/12/2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi cho đối tượng hưởng lợi từ bán tín chỉ các – bon rừng là hơn 35,6 tỉ đồng.
Theo quy định của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, điều kiện để được hỗ trợ phát triển sinh kế là cộng đồng phải có đăng ký tham gia hoạt động quản lý rừng, thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với công ty. Đây là nội dung quan trọng và mang tính nhân văn nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân sống trong rừng hoặc gần rừng để giảm áp lực lên công tác bảo vệ rừng.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, các đơn vị kiến nghị đối với hoạt động giao khoán bảo vệ rừng cần mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng đối với các diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng là tổ chức như hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương; đề nghị nâng mức hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng hoặc cho phép kết hợp các nguồn đầu tư từ chương trình, dự án.
UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, cho phép lồng ghép các nguồn kinh phí để tăng mức khoán bảo vệ rừng nhằm động viên lực lượng tham gia bảo vệ rừng.
Thanh Trúc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/thao-go-vuong-mac-trong-chi-tra-kinh-phi-tu-ban-tin-chi-cac-bon-rung-191237.htm