Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VNHT) về đề tài người lính có chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024 do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Trị tổ chức. Mục đích của việc mở trại sáng tác nhằm tôn vinh, phản ánh một cách sinh động hoạt động của bộ đội Cụ Hồ nói chung, lực lượng (LLVT) tỉnh Quảng Trị nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương. Trại sáng tác được triển khai từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2024.
Tập sách “Vang mãi khúc quân hành” được trưng bày tại lễ bế mạc Trại sáng tác VHNT chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024 -Ảnh: TÚ LINH
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cung cấp cho tác giả tham gia trại sáng tác những thông tin cơ bản về truyền thống, thành tích nổi bật và nhiệm vụ trọng tâm của LLVT vũ trang Quảng Trị để có cơ sở sáng tạo tác phẩm đúng hướng. Ban Thường vụ Hội VHNT kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn những hoạt động liên quan đảm bảo trại sáng tác thành công.
Ban Tổ chức đã nhận được 221 tác phẩm của 75 tác giả tham gia. Đối tượng tham gia chủ yếu là hội viên chuyên ngành Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Âm nhạc; cán bộ, chiến sĩ và nguyên là cán bộ, chiến sĩ BCHQS tỉnh; lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, cơ quan cấp tỉnh và giáo viên.
Ban Thẩm định tác phẩm và biên soạn sách đã chọn lựa, biên tập được 141 tác phẩm gồm: 9 truyện ngắn; 18 tác phẩm ký, ghi chép; 67 tác phẩm thơ; 1 kịch bản văn học; 11 tác phẩm mỹ thuật; 24 ảnh nghệ thuật, tư liệu và 5 tác phẩm âm nhạc để xuất bản tập sách “Vang mãi khúc quân hành” dày 716 trang. 11 bức tranh, 24 ảnh được chọn để triển lãm tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 5 ca khúc được chọn phát hành rộng rãi phục vụ bộ đội và Nhân dân.
Đã có 29 tác phẩm văn xuôi được chọn in sách “Vang mãi khúc quân hành”. Nhìn chung, các tác phẩm văn xuôi có chất lượng đồng đều. Nhiều tác giả đi sâu khái quát khá toàn diện bức tranh toàn cảnh về người chiến sĩ quân đội nói chung và LLVT Quảng Trị nói riêng trong chặng đường 80 năm qua. Tác phẩm văn xuôi viết về thời kỳ chống thực dân Pháp với những tư liệu, khắc hoạ hình ảnh LLVT Quảng Trị buổi mới hình thành khá sinh động như: Ghi chép “Người lính Chi đội Nguyễn Thiện Thuật năm xưa” (Minh Tứ); “Tên gọi Trung đoàn” (Ngô Nguyên Phước)… Viết về thời kỳ chống Mỹ cứu nước có rất nhiều tác phẩm sâu sắc và cảm động. Nổi bật như tác phẩm “Lửa của người anh hùng” (Nguyễn Hoàn); “Nỗi đau thầm lặng” (Lê Thị Khánh Hà); “Yêu thương biền biệt” (Diệu Ái); “Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê” (Nguyễn Chí Hiếu)…
Viết về thời kỳ hòa bình có rất nhiều tác phẩm phản ánh đầy đủ và sinh động về người chiến sĩ LLVT Quảng Trị trong việc đi tìm đồng đội như tác phẩm “Bền bỉ 40 năm đi tìm đồng đội” (Trần Biên); cứu nạn giúp dân trong bão lũ như tác phẩm “Truyền kỳ về một người anh hùng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn” (Lê Đức Dục)…
Viết về tình đồng đội, tình quân dân, những người lính dũng cảm kiên cường như “Người con gái trung kiên trên quê hương Quảng Trị anh hùng” (Lê Hồng Việt); “Người đồng chí, đồng đội thân thiết” (Trương Khắc Duẩn)… Các tác phẩm viết về người lính Quảng Trị làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào và tìm hài cốt đồng đội tại Lào rất cảm động như: “Năm tháng đời lính” (Trần Quốc Bảng); tác phẩm kịch bản văn học “Chuyện ở bản Đông” (Tạ Quang Vũ)… Tác phẩm viết về rà phá bom mìn, xây dựng quê hương đổi mới gồm: “Những người lính đi về phía đạn bom” (Nguyễn Thành Phú); “Để Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận” (Đào Tâm Thanh)… Kỷ niệm không thể nào quên sau chuyến đi Trường Sa với nhiều chi tiết sống động và xúc cảm dâng trào như tác phẩm “Nhật ký Trường Sa” (Nguyễn Bá Duẩn)…
Thơ viết về chủ đề quân đội lần này có nhiều tác giả, tác phẩm tham gia. Ban Thẩm định đã chọn lọc 67 tác phẩm để ra mắt tại tập sách “Vang mãi khúc quân hành”. Nhìn chung các tác phẩm thơ khá đa dạng, nhiều thể loại, khai thác nhiều khía cạnh, khắc hoạ sinh động hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, nhất là chiến sĩ Quảng Trị anh hùng, kiên trung, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, phát huy truyền thống hào hùng, “bám trụ kiên cường, quyết chiến quyết thắng”; xây dựng, chiến đấu, trưởng thành từng bước qua các giai đoạn cách mạng. Tác phẩm thơ khái quát về tổng thể hoạt động của LLVT Quảng Trị từ khi ra đời, trải qua các giai đoạn cách mạng và sứ mệnh hôm nay như “Tự hào người chiến sĩ Quảng Trị” (Nguyễn Đăng Quang); “Hành khúc lực lượng vũ trang Quảng Trị anh hùng” (Nguyễn Văn Dùng)… Có thể kể ra một số tác phẩm thơ tiêu biểu như: “Về nơi thành lập trung đoàn” (Nguyễn Hữu Thắng); “Cá chép trên dòng sông Thạch Hãn” (Võ Văn Luyến); “Thạch Hãn đêm hoa đăng” (Nguyễn Văn Bảo Nhân); “Nghĩa trang sông” (Xuân Lợi)… Thơ viết về người lính Quảng Trị thời kỳ hòa bình, xây dựng là mảng thơ chiếm dung lượng khá. Trong đó, đề tài đi tìm đồng đội là mảng thơ rất xúc động như: “Đất mẹ đón anh về” (Trường An), “Bến đợi” (Hồng Quang)…cùng nhiều tác phẩm tiêu biểu khác khắc họa hình ảnh người chiến sĩ giúp dân phòng chống bão lũ, dịch bệnh, luyện tập hăng say; tuần tra bảo vệ biên cương như: “Những tiếng nổ hoà bình” (Nguyễn Hữu Quý); “Trăng biên giới” (Võ Văn Hoa)…
Với sự nỗ lực và trách nhiệm của các họa sĩ, 11 tác giả đã sáng tạo 11 tác phẩm mỹ thuật có chất lượng. Các họa sĩ đã có sự quan sát tỉ mỉ, phát hiện, khắc họa lên hình ảnh “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” với cách thể hiện hiện đại, đa chiều, kết hợp giữa hiện thực và đan xen lập thể, có sức liên tưởng, khái quát cao. Các nhân vật trong tranh và họa tiết hòa quyện với nhau làm tôn nội dung tác phẩm. Chất tạo hình sống động, trong sáng, hoàn hảo, biểu hiện những giá trị mang tính nhân văn. Phong cách độc đáo, để lại dấu ấn, có sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Trong đó, một số tác giả đã nắm chắc diễn biến tình hình, phản ánh kịp thời những nội dung, những nhiệm vụ, hành động rất thực tế đang diễn ra như: “Cứu hộ” (Trương Đình Dung); “Giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ” (Trịnh Hoàng Tân); “Đi tìm đồng đội” (Trương Minh Dự…
Quá trình tìm kiếm ngôn ngữ biểu hiện, chất liệu biểu hiện cho nội dung đề tài người lính, các họa sĩ đã tìm được tứ tranh, cấu trúc của ngôn ngữ nghệ thuật, trình bày tất cả các ý tưởng và nội dung khác nhau bằng ngôn ngữ nghệ thuật khác biệt một cách hoàn toàn tự do. Ban Tổ chức đánh giá cao về biểu cảm, màu sắc, thể hiện của các tác giả để khắc hoạ sinh động, phù hợp với đề tài người lính thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Về Nhiếp ảnh, các tác giả đã cố gắng thâm nhập thực tế, phản ánh nhiều góc cạnh, dạng thức khác nhau của người lính trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm công tác dân vận, gương chiến sĩ tốt trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Góc chụp có tính sáng tạo, độ nét sâu, bố cục chặt chẽ, đạt yếu tố thẩm mỹ. Hình tượng, chất lượng nghệ thuật tốt, cung bậc đường nét gợi nhiều hàm ý thể hiện sự chuyên nghiệp của tác giả. Trong đó, một số tác phẩm có chất lượng, phản ánh sống động các hoạt động nổi bật của người lính trong tình hình mới…
Về Âm nhạc, các nhạc sĩ tham gia sáng tác chủ đề: “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” có 5 tác giả, đồng tác giả với 5 tác phẩm. Các tác phẩm âm nhạc đã khắc hoạ khá đậm nét về chặng đường 80 năm đầy tự hào của quân đội và LLVT Quảng Trị, về người lính Cụ Hồ với những hy sinh vô bờ bến và chiến công vang dội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay. Trong 5 tác phẩm âm nhạc có 2 tác phẩm phổ thơ. Một số tác phẩm âm nhạc viết về người lính lần này có chất lượng khá như ca khúc: “Tự hào người chiến sĩ Quảng Trị” (nhạc sĩ Võ Thế Hùng, phổ thơ Nguyễn Đăng Quang); “Tự hào người lính Quảng Trị anh hùng” (nhạc sĩ Xuân Vũ, phổ thơ Nguyễn Văn Dùng); “Tự hào Hải đội dân quân Quảng Trị” (Phương Bắc)…
Trại sáng tác VHNT chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024 thu được kết quả đáng ghi nhận. Trại sáng tác đã thu hút đông đảo tác giả tham gia, vượt số lượng dự kiến ban đầu cả về số người tham gia và tác phẩm gửi tham gia. Điều đó thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ, hội viên và Nhân dân đối với Quân đội và LLVT Quảng Trị anh hùng.
Trong số 141 tác phẩm được chọn phát hành sách, triển lãm, công bố rộng rãi, Ban Tổ chức xét tặng 28 giải thưởng cho các tác giả, đồng tác giả có tác phẩm chất lượng (4 giải A, 6 giải B, 8 giải C, 10 giải Khuyến khích).
Trại sáng tác VHNT chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” khép lại rất thành công, lan toả niềm tin và tình yêu lớn với QĐND Việt Nam và LLVT Quảng Trị anh hùng trong dịp kỷ niệm truyền thống 80 năm vinh quang.
Nguyễn Văn Dùng
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ghi-nhan-tu-trai-sang-tac-van-hoc-nghe-thuat-chu-de-nguoi-linh-voi-su-nghiep-bao-ve-to-quoc-va-que-huong-quang-tri-nam-2024-190541.htm