Những năm gần đây, KT – XH của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi từng bước phát triển. Tuy vậy, đây vẫn là vùng khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh. Xác định đây là vùng “lõi nghèo”, tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực này, trong đó có nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH).
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa giải ngân vốn vay ưu đãi cho người dân xã Hướng Lập – Ảnh: T.N
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới Việt – Lào. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn, trong đó có 1 xã khu vực I, 2 xã khu vực II, 28 xã khu vực III. Dân số DTTS là 21.960 hộ, 97.021 nhân khẩu (chiếm 14% dân số toàn tỉnh), với 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru – Vân Kiều và Pa Kô.
Những năm qua, việc phát triển sinh kế cho hộ nghèo là người DTTS luôn được các địa phương quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo không chỉ giảm sau từng năm mà tính bền vững cũng được nâng cao đáng kể.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2021 – 2024, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,26%/năm, đạt kế hoạch so với chỉ tiêu của trung ương và HĐND tỉnh giao (giảm bình quân 1% – 1,5%/năm), trong đó tỉ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Đakrông giảm bình quân 5,38%, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao (4,5% – 5%/năm); tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 7,3%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao (trên 4%/năm). Để có được kết quả trên, trong các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực này có nguồn hỗ trợ đắc lực từ vốn tín dụng CSXH.
Điển hình như trường hợp của gia đình anh Hồ Văn Nghinh (sinh năm 1992), ở thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa. Lập gia đình, vừa ra ở riêng thì sinh đứa con đầu lòng bị dị tật, trong khi đó, địa bàn nơi gia đình anh Nghinh sinh sống là vùng biên giới đặc biệt khó khăn nên cuộc sống rất vất vả. Tháng 12/2017, anh được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mua 2 con bò. Đó là tài sản đầu tiên và sinh kế của vợ chồng anh.
Đến tháng 6/2020, với diện thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chương trình vay vốn sản xuất theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, anh Nghinh được vay thêm 80 triệu đồng với lãi suất 3,3%/ năm (bằng 1/2 lãi suất hộ nghèo).
Với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy được trong thời gian qua, vợ chồng anh quyết định sử dụng nguồn vốn này đầu tư nuôi trâu. Nhờ chăm chỉ lao động, biết cách tính toán để trả nợ ngân hàng, đến tháng 11/2023, anh Nghinh tiếp tục được vay 100 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm dành cho đối tượng DTTS cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn với lãi suất cho vay 3,98%/năm (bằng 1/2 lãi suất hộ cận nghèo). Từ nguồn vốn này, anh đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi và trồng rừng sản xuất.
Như vậy, với 3 lần vay vốn với tổng số tiền 200 triệu đồng tại ngân hàng CSXH, anh Nghinh đã phát triển được mô hình chăn nuôi gồm 4 con bò, 15 con trâu, 10 con dê và trồng 5 ha tràm. Hiện rừng tràm chưa cho thu hoạch nhưng đàn gia súc trung bình mỗi năm mang lại cho gia đình nguồn thu trên 50 triệu đồng. Năm 2019, anh Nghinh xin thoát nghèo, nhưng vì hoàn cảnh gia đình có người con đầu bị khuyết tật nên được địa phương bình xét vào diện hộ nghèo để có điều kiện điều trị bệnh cho con.
“Nhờ có đồng vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH mà vợ chồng tôi mới có được sinh kế sản xuất, có việc làm và thu nhập ổn định. Cuộc sống của gia đình tôi đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Vợ chồng tôi sẽ dành dụm, tiết kiệm chi tiêu để trả lãi và tham gia gửi tiền tiết kiệm đều đặn hằng tháng ở tổ vay vốn và tiết kiệm để trả dần tiền gốc”, anh Nghinh chia sẻ.
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác; thành lập mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn để giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước ngay tại nơi cư trú nhanh gọn, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đến nay, vốn vay CSXH đã “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó chi nhánh đặc biệt tập trung ưu tiên vốn cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 2,3 nghìn lượt hộ DTTS được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Không riêng gì anh Nghinh mà có rất nhiều hộ gia đình được vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập cho con em… Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức sản xuất, giúp hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS ở vùng khó khăn từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Để nâng cao hiệu quả vốn CSXH tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH.
Chi nhánh sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách cho các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo; gắn kết hơn nữa trong việc triển khai các chương trình tín dụng CSXH với mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thủy Ngọc
Nguồn: https://baoquangtri.vn/uu-tien-von-chinh-sach-xa-hoi-cho-vung-loi-ngheo-190326.htm