Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, cùng với hoạt động chuyên môn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác đỡ đầu, hỗ trợ xã Ba Lòng (huyện Đakrông) xây dựng nông thôn mới (NTM) theo sự phân công của tỉnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị tặng công trình xây dựng nông thôn mới cho xã Ba Lòng – Ảnh: TÚ LINH
Quá trình triển khai xây dựng NTM, UBND tỉnh đã phân công các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan trung ương, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn, miền núi thực hiện xây dựng NTM. Chi nhánh NHCSXH tỉnh được phân công hỗ trợ, đỡ đầu xã Ba Lòng thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Hồ Văn Khăm cho biết, xã có hơn 3.900 người dân, sinh sống trên 6 thôn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển nhưng đời sống của người dân đang còn gặp không ít khó khăn.
Theo quy định để đạt chuẩn NTM năm 2025 thì mức thu nhập bình quân là 48 triệu đồng/người/ năm. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người/năm đến cuối năm 2023 của xã Ba Lòng đạt 39 triệu đồng, dự kiến cuối năm 2024 đạt 45 triệu đồng. Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò động lực để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí khác trong xây dựng NTM.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đang từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, thì xã Ba Lòng cần nguồn lực đầu tư lớn, sự hỗ trợ, đỡ đầu của các đơn vị để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Trước những yêu cầu này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhiệt tình giúp đỡ xã Ba Lòng, vì vậy xã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, được phân công đỡ đầu xã Ba Lòng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, chi nhánh thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện bằng nhiều hình thức như: làm việc trực tiếp tại địa phương; chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đakrông và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xã Ba Lòng thường xuyên nắm bắt tình hình xây dựng NTM tại địa phương để kịp thời có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ.
Đặc biệt vốn tín dụng chính sách đã được chi nhánh ưu tiên cho các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đang phấn đấu đạt chuẩn NTM. Giai đoạn năm 2021-2023, ngay khi được NHCSXH Việt Nam giao kế hoạch vốn hằng năm, chi nhánh đã kịp thời tham mưu các cơ quan cấp trên để phân bổ vốn đến các địa phương.
Cụ thể huyện Đakrông được phân bổ 205 tỉ đồng, riêng xã Ba Lòng được ưu tiên phân bổ vốn vay tín dụng chính sách đến 25 tỉ đồng, chiếm hơn 12% tổng nguồn vốn được giao của huyện. Từ nguồn vốn vay này, người dân Ba Lòng đã có thêm nguồn lực để tổ chức sản xuất , phát triển kinh tế hiệu quả.
Đặc biệt trong tổng số nguồn vốn này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tập trung ưu tiên bố trí 5 tỉ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Chi nhánh cũng đã hỗ trợ nâng cấp tuyến đường điện “Ánh sáng đường quê” trị giá 40 triệu đồng tại thôn Hà Lương, đây là thôn phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2024.
Nhờ những hỗ trợ ý nghĩa của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, các đơn vị và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, sự đồng lòng cao của người dân, đến nay xã Ba Lòng đã đạt 14 /19 tiêu chí xây dựng xã NTM; các tiêu chí chưa đạt gồm: nhà ở, thu nhập, tổ chức sản xuất…Vì vậy, chi nhánh tiếp tục phối hợp với xã Ba Lòng, huyện Đakrông và các sở, ban, ngành liên quan bổ sung nguồn lực, giải pháp cho từng tiêu chí chưa đạt để tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đề ra, giúp xã Ba Lòng hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM năm 2025.
Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất luôn liên quan đến tiêu chí thu nhập. Khi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tốt thì người dân sẽ giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, đời sống sẽ được đảm bảo hơn, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên.
Vì vậy, để xã Ba Lòng về đích xã NTM vào năm 2025, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm phối hợp với chi nhánh, đặc biệt là Chi cục Phát triển nông thôn để hỗ trợ xã về nguồn lực cũng như chuyên môn nhằm thực hiện đạt tiêu chí này theo lộ trình.
Cụ thể tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các chính sách theo Luật Hợp tác xã (HTX) và mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ cho ban quản lý đối với 2 HTX Thiên Phúc và Ngọc Hồ để phát triển bền vững và hiệu quả. Hỗ trợ, hướng dẫn các chính sách, hồ sơ để các HTX thực hiện tốt các dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lạc và sản xuất chế biến tinh dầu lạc, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm tinh dầu lạc thành sản phẩm OCOP.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, công ty đưa sản phẩm chủ lực của xã Ba Lòng như lạc, tinh dầu lạc, đậu đỗ trở thành hàng hoá hữu cơ, sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tránh bị tư thương ép giá khi đến mùa vụ. Hỗ trợ các chính sách vay vốn ưu đãi để HTX có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mở rộng đầu tư phát triển. Đặc biệt hỗ trợ tìm kiếm thị trường đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động tốt.
Theo bà Trần Đức Xuân Hương, đến nay tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã phủ kín tại 125 xã; với 1.836 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 74 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm hơn 40% tổng số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh.
Với 18 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 4.459 tỉ đồng, tăng 1.432 tỉ đồng so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 16%. Tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện, ổn định đời sống của người nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt.
Tú Linh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/ho-tro-xa-ba-long-xay-dung-nong-thon-moi-hieu-qua-190143.htm