Hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, thuận thiên, ứng dụng đồng bộ khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng là hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai tích cực. Để quá trình này diễn ra đúng hướng, hiệu quả, cần quan tâm đầu tư đúng mức đối với hệ thống thủy lợi. Vì thủy lợi là cái gốc để cơ cấu lại nông nghiệp. Nếu xem nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế thì thủy lợi phải được xem là “bệ đỡ” của “bệ đỡ”, nhất là khi biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường.
Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu đang phát huy hiệu quả -Ảnh: Đ.T
Nhiều hồ, đập chưa đảm bảo an toàn, vững chắc
Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Các công trình này bao gồm 2 đập dâng (Nam Thạch Hãn và Sa Lung) với tổng lưu lượng thiết kế trên 33 m3/s, 17 hồ chứa với dung tích trên 185 triệu m3 nước, 29 trạm bơm điện, 10 cống đập ngăn mặn, 1 công trình phân lũ và trên 677 km kênh mương (bao gồm kênh chính, kênh cấp 1,2).
Hệ thống các công trình thủy lợi do công ty quản lý có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của 8/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với tổng diện tích trên 32.000 ha/năm, chiếm trên 64% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; ngăn mặn, giữ ngọt cho 14.300 ha/năm. Ngoài ra còn có nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ dân sinh, kinh tế khác.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, nhiều công trình hồ, đập lớn như công trình đập dâng Nam Thạch Hãn, đập ngăn mặn sông Hiếu, các hồ chứa nước Đá Mài, Tân Kim, Hà Thượng, Trúc Kinh, Kinh Môn, La Ngà, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2 đã được đầu tư nâng cấp; các tuyến kênh mương từ kênh chính đến kênh cấp 1 hầu hết đã được kiên cố hóa.
Nhờ vậy, các hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý, khai thác ngày càng phát huy hiệu quả tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng sản lượng lương thực, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời đảm bảo an toàn công trình trong phòng chống thiên tai (PCTT).
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hồ đập vừa và nhỏ chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn đập. Đặc biệt có các hồ như hồ Phú Dụng, Nghĩa Hy được đầu tư xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế cũ, không đảm bảo phòng lũ trong điều kiện thời tiết mưa lũ cực đoan hiện nay.
Mặt khác, do các công trình thủy lợi hầu hết nằm ngoài trời, hệ thống kênh mương trải dài trên diện rộng từ vùng núi đến đồng bằng, đi qua nhiều vùng có địa hình, địa vật, địa chất phức tạp nên thường xuyên chịu tác động của thiên nhiên rất lớn, nhất là sau những đợt bão lũ, nên nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Hầu như năm nào cũng xuất hiện công trình hư hỏng, xuống cấp do tác động của mưa lũ.
Hằng năm, chi phí khắc phục hậu quả bão lụt cũng như kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nên nhiều hạng mục công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp. Một số nội dung quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ như: kiểm định an toàn đập; lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng; xây dựng phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp; lắp đặt hệ thống giám sát, vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du chưa được bố trí kinh phí để thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Do đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ rất lớn.
Trong mùa mưa lũ năm 2023, có 7 hồ chứa có cửa van điều tiết lũ phải vận hành điều tiết xả lũ gồm các hồ chứa nước Ái Tử, Khe Mây, Nghĩa Hy, Đá Mài, Tân Kim, Trúc Kinh, Hà Thượng. Có một số tuyến kênh, công trình nằm ở vùng thấp trũng, dưới tác động của dòng chảy lũ đã làm sạt lở mái, bồi lấp lòng kênh.
Tổng chiều dài kênh mương bị hư hỏng hơn 2.000 m, trong đó sạt lở mái kênh với tổng chiều dài 450 m, bồi lấp lòng kênh với tổng chiều dài 1.580 m, sập gãy tường kênh 76 m. Công trình ngăn mặn Vĩnh Phước, Châu Thị có một số hạng mục bị hư hỏng…
Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi là yêu cầu bức thiết
Khảo sát thực tế các công trình thủy lợi trên địa bàn cho thấy, những năm gần đây, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã tác động lớn đến hạ tầng thủy lợi. Yếu tố tác động trực tiếp và gây hậu quả nặng nề nhất đối với hạ tầng thủy lợi là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão lũ xảy ra hằng năm với cường độ mạnh, liên tục.
Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp, thiết kế trước đây chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phục vụ cho cây lúa, nên khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn, phục vụ đa mục tiêu. Hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp chưa cao, còn thất thoát do hệ thống kênh mương chưa bảo đảm.
Cùng với đó là việc bố trí sản xuất và quản lý sản xuất chưa hợp lý, các hoạt động gia tăng khai thác nước, hoạt động khai thác cát sỏi trên các con sông là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ, hạ thấp lòng sông, dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước sông, gây cạn kiệt nguồn nước, suy thoái môi trường nguồn nước…
Hiện tỉnh Quảng Trị xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ổn định sản lượng lương thực có hạt từ 25- 26 vạn tấn/năm. Đến năm 2025, đảm bảo tưới chủ động trên 90% diện tích trồng lúa 2 vụ, đến năm 2030 đạt 100% diện tích.
Để phục vụ nhiệm vụ phát triển nêu trên, tỉnh cần quan tâm lồng ghép mọi nguồn lực, huy động nguồn xã hội hóa để tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.
Đặc biệt là quan tâm nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi để phát huy tối đa năng lực thiết kế; đảm bảo tưới chủ động trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, vùng màu và cây công nghiệp từ 5.500 -6.000 ha, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 2.500 ha; ngăn mặn, giữ ngọt 15.500 ha; tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư; chủ động tiêu úng cho 21.500 ha đất nông nghiệp trong những năm tới.
Cùng với đó, tỉnh cần triển khai các giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, tăng cường quản lý, vận hành, giữ an toàn hệ thống đập, hồ chứa nước. Chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến hạ tầng thủy lợi; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Đan Tâm
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nang-cap-he-thong-thuy-loi-de-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-190030.htm